Bộ Giáo dục xem xét lại việc tuyển sinh bằng chứng chỉ ngoại ngữ

Thông tin này được PGS.TS Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết chiều 24/8.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Huyên Nguyễn

PGS.TS Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Huyên Nguyễn

Còn lộn xộn trong thi chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài

Ngày 24/8, Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra khối Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) được tổ chức tại TPHCM.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương cho hay năm qua công tác chấn chỉnh hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, đẩy mạnh triển khai các hoạt động quản lý văn bằng, chứng chỉ theo hướng cải cách hành chính, chuẩn hóa, tinh gọn từng bước đi vào nền nếp.

Tuy nhiên, một số địa phương đã không thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài.

Điều này dẫn đến việc nhiều tổ chức, đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ sau ngày 10/9/2022 khi chưa được Bộ phê duyệt, gây ra tình trạng lộn xộn, thiếu tuân thủ pháp luật và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự thi.

Nhất là đối với học sinh THPT sử dụng các chứng chỉ này trong việc miễn bài thi ngoại ngữ trong thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học.

Liên quan tới những tranh luận của dư luận về tuyển sinh đầu cấp có chứng chỉ ngoại ngữ, ông Chương cho biết trong thông tư mới, Bộ sẽ bàn bạc về mức độ ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ để thay thế tuyển sinh đầu vào.

Chứng chỉ IELTS là một trong những chứng chỉ ngoại ngữ phổ biến được thí sinh sử dụng để xét tuyển vào đại học (Ảnh: TL).

Chứng chỉ IELTS là một trong những chứng chỉ ngoại ngữ phổ biến được thí sinh sử dụng để xét tuyển vào đại học (Ảnh: TL).

Về kỳ thi tốt nghiệp THPT, các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia và dự thi Olympic khu vực, quốc tế an toàn, hiệu quả.

Kế thừa kết quả triển khai năm 2022, việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến cho thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022-2023 đạt 95%. Trong các ngày đăng ký dự thi, hệ thống quản lý thi trực tuyến hoạt động ổn định.

Việc đăng ký dự thi của thí sinh diễn ra bình thường, thuận lợi, bảo đảm cơ sở dữ liệu thi chính xác, góp phần quan trọng để tổ chức kỳ thi khách quan, công bằng.

Tuy vậy, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cũng nêu ra 2 thí sinh làm “lọt” đề thi, vi phạm quy chế thi và đã được xử lý theo đúng quy định. Hiện, Cục An ninh chính trị nội bộ đang tiếp tục làm rõ những vấn đề khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan chưa phát hiện có thông tin giải đề được chuyển vào phòng thi nên sự việc nêu trên không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức kỳ thi.

Về đề thi, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận một số ý kiến phản ánh về đề thi, yêu cầu các tổ ra đề của Hội đồng ra đề thi rà soát để có giải trình cụ thể.

Kết quả rà soát cho thấy đáp án của đề thi các bài thi/môn thi không thay đổi, ngoại trừ việc chấp nhận có hai đáp án đúng trong một câu hỏi của đề thi bài thi môn Tiếng Anh.

Đối với đề thi môn lịch sử, do khai thác ngữ liệu sách giáo khoa hiện hành chưa thật chặt chẽ về thời gian cụ thể trong một câu hỏi nhưng về cơ bản nội dung hỏi vẫn bảo đảm đúng mục đích và cấp độ đánh giá nên không ảnh hưởng đến kết quả chấm thi và quyền lợi của thí sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2023. Trong thời gian tới, Bộ sẽ hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025; Xúc tiến chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 ngay trong năm học 2023-2024.

Kết quả thi quốc tế tốt

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia tiếp tục được đổi mới và đạt được kết quả tốt. Công tác tuyển chọn, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Kết quả tại các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2023 (tính đến nay), các đội tuyển đều đạt thành tích cao.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia tiếp tục được đổi mới và đạt được kết quả tốt. Công tác tuyển chọn, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Kết quả tại các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2023 (tính đến nay), các đội tuyển đều đạt thành tích cao.

Thành tích xuất sắc của các đội tuyển đã khẳng định nỗ lực vượt bậc trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường; đồng thời, khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông và hướng đi đúng trong công tác dạy học, phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của ngành giáo dục.

Phương hướng năm học 2023-2024, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các kỳ thi cấp quốc gia an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn…

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, dự thi Olympic khu vực và quốc tế.

Spread the love
Back To Top