Đến hẹn lại lên, mỗi khi vào năm học mới, việc chật vật tìm nơi ở, chịu cảnh giá phòng trọ đồng loạt tăng cao khiến gánh nặng tài chính đè nặng lên vai nhiều phụ huynh và các sinh viên theo học ở Hà Nội. Không chỉ sinh viên, việc phòng trọ tăng giá từ 10 – 30% trong thời gian ngắn cũng khiến không ít người lao động gặp khó khăn, thậm chí phải bỏ phố về quê.
Tìm chỗ thuê đã khó, tìm nhà giá phù hợp còn khó hơn nhiều!
Mùa tựu trường, nhu cầu thuê phòng của sinh viên ngoại tỉnh tăng cao do đó thị trường phòng trọ cho thuê cũng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Chỉ cần nhập từ khóa “tìm phòng trọ” trên các trang mạng xã hội sẽ cho ra hàng nghìn kết quả tìm kiếm. Những bài chào mời thuê phòng với đầy đủ thông tin mà người thuê cần như giá phòng, dịch vụ kèm theo, diện tích phòng, địa điểm và cả số điện thoại liên hệ với người cho thuê,…
Hiện nay, một phòng trọ rộng 20-35m2, đầy đủ đồ nội thất ở khu vực nội thành sẽ có mức giá dao động từ 4 – 6 triệu đồng (Ảnh: Lê Thắm) |
Theo anh Cao Xuân Trường – người môi giới thuê nhà, năm nay thị trường thuê – cho thuê nhà ở, phòng trọ rơi vào tình trạng cung ít cầu nhiều “Thời gian gần đây, thị trường thuê phòng nhộn nhịp hơn hẳn, đa phần người có nhu cầu là sinh viên chuẩn bị lên nhập học và người dân từ các tỉnh về Hà Nội tìm việc làm sau đợt dịch Covid-19 vừa qua. Giá phòng năm nay tăng nhanh so với các năm trước. Mặc dù vậy nguồn phòng cho thuê vẫn khan hiếm”, anh Trường cho biết.
Khảo sát thực tế tại Hà Nội cho thấy, giá thuê phòng ở các khu vực trung tâm, gần các trường đại học như Dịch Vọng, Quan Hoa, Trần Thái Tông, Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy), Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), Chùa Láng, Pháo Đài Láng, Láng Hạ (quận Đống Đa)… đều tăng cao. Trung bình người thuê phải mất từ 3-5 triệu đồng/tháng cho một phòng khép kín có diện tích từ 20-25m2. Thậm chí có những phòng có giá từ 5-8 triệu đồng/tháng nếu có đủ tiện ích, điều hòa nóng lạnh.
Việc nhà trọ tăng giá phòng, điện, nước khiến hầu hết những người thuê trọ gặp vô vàn khó khăn trong ăn ở, sinh hoạt, làm việc. Nỗi vất vả ấy tăng lên gấp 2-3 lần đối với các bạn tân sinh viên “chân ướt chân ráo” lần đầu rời xa gia đình lên thành phố học tập.
Em Hoàng Văn Hải – sinh viên mới trúng tuyển vào Học viện Thanh Thiếu Niên cho biết sau khi nắm được thông tin điểm chuẩn học bạ của Trường, xác định khả năng đỗ cao 2 mẹ con hối hả khăn gói vào thành phố tìm chỗ trọ. Tuy nhiên, đã hơn một tuần trôi qua Hải vẫn chưa có được chỗ ở ưng ý.“Nghe chỗ nào có nhà trọ cho thuê 2 mẹ con em đều tới tận nơi để liên hệ nhưng chỗ sạch sẽ, an ninh được đảm bảo và gần trường thì giá đắt quá. Tìm được chỗ rẻ thì nhà lại xập xệ, bốn vách chỉ là những tấm tôn xếp lại. Em đang nghĩ đến phương án làm đơn xin vào ký túc xá của trường rồi từ từ tìm nhà trọ để chuyển ra sau”, Hải cho hay.
Cùng hoàn cảnh, em Trần Thu Hà, tân sinh viên trường Đại học Ngoại Ngữ cho biết, do mới đến thành phố nên không rành đường sá, cũng chẳng có người quen để nhờ cậy, em phải nhờ những trung tâm dịch vụ tìm hộ phòng thuê với giá đặt cọc là 200 nghìn đồng. Thế nhưng, đi từ ngõ này đến ngách khác thì chỉ có những căn nhà vừa bé vừa bẩn. Cuối cùng Hà đành phải thuê căn phòng 22m2 chung với 1 bạn cùng quê với giá 2,8 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền điện nước.
Chia sẻ về việc để giá nhà trọ luôn giữ ở mức khá cao, ông Nguyễn Văn Nam, chủ một nhà trọ ở ngõ 850 Đường Láng (Láng Thượng, Đống Đa) cho rằng, các dịch vụ ở Hà Nội lâu nay đều đắt đỏ nên các em sinh viên từ các tỉnh đến đều bị choáng ngợp trước giá thuê như hiện nay là điều dễ hiểu. Theo ông Nam, hiện nay giá cả thị trường từ rau, cá, thịt đến xăng xe… đều tăng nên việc giá cho thuê trọ cao là tất yếu bởi người cho thuê còn phải trùng tu lại phòng.
Dịch chuyển ra ngoại thành để giảm chi phí
Không chỉ riêng nhà trọ, theo tìm hiểu, giá cho thuê căn hộ thời gian qua có xu hướng đi lên, đặc biệt ở các quận gần hoặc trong trung tâm. Mức tăng phổ biến khoảng 1-2 triệu đồng/căn/tháng, tương đương tăng 10-20% so với đầu năm 2022. Ví dụ, một số căn hộ trên đường Nguyễn Cơ Thạch (Nam Từ Liêm) có giá thuê tăng từ 7-8 triệu đồng/tháng lên 9-10 triệu đồng/tháng (căn 3 phòng ngủ). Tại các chung cư như Vinhome Smart City (Đại Mỗ), The Pride (Tố Hữu), Greenbay Mễ Trì (Nam Từ Liêm), Sky City Láng Hạ…mức giá thuê tăng từ 1 đến 3 triệu đồng/tháng.
Vừa cùng gia đình chuyển khỏi căn hộ chung cư 2 phòng ngủ tại quận Thanh Xuân vì chủ nhà thông báo tăng giá, anh Trần Đình Thế cho hay, anh thuê căn nhà này 5 năm với giá 10 triệu đồng/tháng. Cuối năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, chủ nhà có giảm xuống còn 9 triệu đồng, nhưng nay đòi tăng lên 12 triệu đồng/tháng với lý do mặt bằng chung đều tăng. Mức giá này quá sức chi trả của hai vợ chồng nên anh Thế đành chuyển ra một chung cư 2 phòng ngủ khác ở khu vực Hoài Đức, giá thuê 7,5 triệu đồng/tháng, chấp nhận đi làm xa hơn 10km.
Cùng cảnh anh Thế, vợ chồng chị Vũ Thảo Vân (Tây Hồ) rời căn hộ đã thuê tại chung cư Khu đô thị Nam Thăng Long hơn 3 năm nay vì chủ nhà tăng giá. Dù nhiều lần thương lượng để tìm một mức giá phù hợp, nhưng đều không đi đến đâu. Do số tiền tăng lên khá nhiều nên gia đình chị Vân quyết định đi tìm thuê một căn hộ có diện tích gần 70m2 đầy đủ tiện ích tại quận Hoàng Mai có giá 7 triệu đồng. “Dù vợ chồng con cái đi làm, đi học xa hơn nhưng đỡ áp lực về kinh tế”, chị Vân cho biết.
Còn chị Hoàng Thị Lan (lao động tự do) chia sẻ, trước đây chị thuê 1 phòng chung cư mini ở phường Láng Thượng rộng khoảng 30m2, vừa làm chỗ ở vừa làm kho kinh doanh giá 3 triệu. Đầu năm nay, chủ nhà thông báo với chị sẽ cải tạo lại phòng, trang bị thêm bàn ghế, tủ quần áo và tăng giá phòng lên 4.5 triệu. Sau khi cân nhắc thiệt hơn, chị Lan quyết định trả phòng, về quê vì thu nhập không đủ trang trải tiền phòng, phí sinh hoạt.
Được biết, trước thực trạng thiếu nhà ở, giá thuê nhà ngày một tăng cao, để bảo đảm cho người dân ở Thủ đô Hà Nội có chỗ ở, “an cư lạc nghiệp”, mới đây, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, định hướng chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp…Bên cạnh đó, tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với công nhân, lao động Thủ đô năm 2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ, dự án để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số dự án nhà ở xã hội theo kế hoạch, chương trình 1 triệu nhà ở xã hội cho người lao động theo chương trình của Chính phủ đã ban hành.