‘Làn sóng’ cải cách quy định góp phần cải thiện môi trường kinh doanh

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính, đã chia sẻ về nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp được xác định là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, chuyển đổi môi trường, phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, chú trọng tạo nền tảng Chuyển đổi Số Quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thực hiện Nghị quyết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chương trình hành động, các chiến lược, chương trình về cải cách hành chính, Chuyển đổi Số Quốc gia.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính (Văn phòng Chính phủ) đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với Chuyển đổi Số Quốc gia.

– Thời gian qua, Chính phủ tập trung triển khai những chương trình hành động nào để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, quy định kinh doanh và chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp thưa ông?

Cục trưởng Ngô Hải Phan: Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số quốc gia góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chiến lược, chương trình về cải cách hành chính, Chuyển đổi Số Quốc gia.

Cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp được xác định là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, chuyển đổi môi trường, phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước từ thủ công, giấy tờ sang môi trường số, công khai, minh bạch và cắt giảm mạnh chi phí tuân thủ, hình thành công chức điện tử, công dân số, doanh nghiệp số, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều văn bản quy phạm quan trọng tạo hành lang pháp lý thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp, như: Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; Chương trình Chuyển đổi Số Quốc gia; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ Số; Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (Đề án 06) trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, các thông tư hướng dẫn việc triển khai đã được ban hành tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

– Nghị quyết 68/NQ-CP được kỳ vọng sẽ tạo nên “làn sóng thứ 3” về cải cách quy định kinh doanh. Nhìn lại gần 3 năm thực hiện, ông có thể đánh giá việc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương?

Cục trưởng Ngô Hải Phan: Trước khi Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 được ban hành, Việt Nam đã trải qua hai làn sóng cải cách mạnh mẽ. Đầu tiên là giai đoạn 2007-2010, chúng ta đã cắt giảm, đơn giản hóa 4.818/5.421 thủ tục (cắt giảm 37,31%, tương ứng với tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 30 nghìn tỷ đồng mỗi năm).

Tiếp đó, giai đoạn 2016-2020 có 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, đơn giản hóa; tổng chi phí xã hội tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương khoảng 6.300 tỷ đồng. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.

Để tiếp nối những thành công của hai làn sóng cải cách trước đây, chương trình cải cách theo Nghị quyết 68/NQ-CP đặt ra mục tiêu cụ thể với cách làm hoàn toàn mới, gắn cải cách thủ tục hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời thực hiện cải cách toàn diện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, kể cả việc thực hiện các quy định.

Chính phủ đặt mục tiêu cho các bộ, ngành là đến năm 2025 cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định kinh doanh (không chỉ thủ tục hành chính, mà còn yêu cầu điều kiện, chế độ báo cáo; tiêu chuẩn, quy chuẩn và kiểm tra chuyên ngành) và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành cũng như kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân.

Đi qua hơn nửa chặng đường (2020-2025), các bộ, ngành, địa phương đã rất cố gắng nỗ lực, cùng với sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, từ năm 2021 đến nay đã cập nhật và công khai được 17.845 quy định kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa 2.392 quy định kinh doanh tại 194 văn bản quy phạm pháp luật; cung cấp 4.422 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.146 quy định kinh doanh tại 211 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó, đã ban hành 55 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi sửa đổi 430 quy định kinh doanh).

Kết quả đạt được đó xứng đáng với kỳ vọng tạo ra làn sóng cải cách mạnh mẽ thứ ba của Việt Nam về cải cách quy định, góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, phục hồi kinh tế sau tác động của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, tôi cho rằng kết quả đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và mong mỏi của người dân, doanh nghiệp, vẫn đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần phải nỗ lực hơn nữa và phải quyết tâm cao hơn nữa.

– Theo ông, còn những gì tồn tại trong Nghị quyết 68 đòi hỏi phải tiếp tục thúc đẩy để đạt được mục tiêu đề ra? Việc “xóa bỏ những chồng chéo, xung đột, bất hợp lý” đã được đặt ra và thực hiện triệt để chưa?

Cục trưởng Ngô Hải Phan: Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế các bộ, ngành cần tập trung tháo gỡ. Cụ thể như nhiều quy định kinh doanh đang có hiệu lực chưa được cập nhật đầy đủ, cập nhật chưa chính xác, chậm công khai so với thời gian có hiệu lực của quy định.

Tỷ lệ quy định kinh doanh được rà soát còn thấp và tính toán chi phí tuân thủ chưa thực hiện nghiêm túc nên chưa xác định chính xác tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa số quy định và chi phí tuân thủ quy định theo yêu cầu của Chính phủ.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính (Văn phòng Chính phủ). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Việc trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh của nhiều bộ, ngành còn chậm, chưa đáp ứng chỉ tiêu yêu cầu.

Số quy định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa chưa được thực thi còn nhiều.

Hàng trăm phản ánh, kiến nghị, vướng mắc, đề xuất của hiệp hội doanh nghiệp về quy định kinh doanh chưa được xử lý kịp thời. Nhiều quy định chồng chéo, xung đột, bất hợp lý chưa được sửa đổi, bãi bỏ. Một số bộ vẫn chưa trình Thủ tướng phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, tạo đột phá trong đổi mới thể chế phục vụ người dân, doanh nghiệp, các bộ, ngành cần tập trung cập nhật đầy đủ, chính xác, công khai kịp thời quy định quy định kinh doanh trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Thực hiện nghiêm việc rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa và thực thi ngay phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tích cực tham vấn ý kiến hiệp hội, doanh nghiệp và đối tượng chịu tác động về phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, những quy định đang tạo gánh nặng hành chính và gây khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, xã hội quan tâm.

Cùng với đó, cần tăng cường tổ chức làm việc, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Các hiệp hội doanh nghiệp cần tích cực gửi đề xuất, kiến nghị, tổng hợp vướng mắc, đề xuất, đăng tải lấy ý kiến và đăng tài công khai trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Về phía Văn phòng Chính phủ, chúng tôi sẽ nâng cấp, hoàn thiện Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh đáp ứng yêu cầu người dùng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định quy định về Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, tạo hành lang pháp lý bảo đảm thực hiện hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh.

Định kỳ chúng tôi sẽ đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh và thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo xử lý những điểm nghẽn về thể chế, chính sách, thủ tục hành chính trong môi trường kinh doanh.

– Trân trọng cảm ơn ông./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top