Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã mua tổng cộng 1,01 triệu tỷ yen (6.700 tỷ USD) trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kể từ khi bắt đầu thực hiện chính sách tiền tệ siêu lỏng cách đây 10 năm.
Điều này dẫn đến việc 50% trái phiếu quốc gia đang lưu hành đang nằm trong tay ngân hàng trung ương.
Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Tokyo. Ảnh: Reuters
Theo dữ liệu, BoJ đã mua khoảng 7.000 tỷ yen trái phiếu Chính phủ Nhật Bản chỉ trong tháng 9/2023, đưa tổng lượng mua trái phiếu lên trên ngưỡng 1 triệu tỷ yen.
BoJ đã nắm giữ khoảng 580.000 tỷ yen trái phiếu chính phủ tính đến cuối tháng 6/2023, tương đương 53% dư nợ chính phủ, nhằm cố gắng giữ lợi suất trái phiếu ở mức thấp như một phần của biện pháp kích thích tiền tệ.
Tuy nhiên, chương trình mua trái phiếu quy mô lớn này đã vấp phải sự chỉ trích khi ngân hàng này được xem là “ví của chính phủ” và làm giảm tính thanh khoản của thị trường.
BoJ nắm giữ khoảng 93.000 tỷ yen, tương đương 11% nợ chính phủ, tính đến cuối tháng 3/2013 trước khi ông Haruhiko Kuroda nhậm chức Thống đốc BoJ trong cùng tháng và thực hiện chính sách tiền tệ siêu lỏng vào tháng Tư năm đó.
Trong thời gian đương nhiệm kéo dài khoảng 10 năm, ông Kuroda chủ yếu duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để đạt được lạm phát ổn định cùng với tăng trưởng tiền lương bền vững.
Mặc dù các công ty lớn của Nhật Bản đã nhất trí về mức tăng lương mạnh nhất trong 30 năm trong các cuộc đàm phán tiền lương năm nay, song BoJ cho biết ngân hàng này vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ chính sách nới lỏng tiền tệ trong thời điểm hiện tại.
Theo chương trình đường cong lợi suất của ngân hàng, lãi suất ngắn hạn được đặt ở mức âm 0,1% và lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm được đặt ở mức 0%.
Tuy vậy, trong tháng 7/2023, BoJ đã quyết định cho phép lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng trên 0,5% đến 1%, một phần để chuẩn bị cho rủi ro lạm phát tăng cao.
BoJ sẽ vẫn cần tiếp tục mua trái phiếu nếu lợi suất trái phiếu dài hạn vượt giới hạn 1%./.