4 mã cổ phiếu nào được hưởng lợi nhất từ việc tăng giá bán lẻ điện?

4 mã cổ phiếu thuộc nhóm nhiệt điện và 2 mã cổ phiếu thuộc nhóm xây lắp điện sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc tăng giá bán lẻ điện.

Vận hành hệ thống dẫn khí phục vụ phát điện tại nhà máy điện Cà Mau 2-Nhà máy thuộc PV Power. Ảnh: Huy Hùng-TTXVN.

Theo các chuyên gia của CTCP Chứng khoán MB (MBS), việc tăng giá bán lẻ điện sẽ làm giảm đi những áp lực tài chính cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đồng thời cũng tác động tích cực lên chuỗi giá trị ngành điện. Theo đó, nhóm nhiệt điện bao gồm các mã chứng khoán như: Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (mã chứng khoán POW), CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã chứng khoán NT2), CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (mã chứng khoán HND), CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP) sẽ hưởng lợi lớn nhất; tiếp đến là các mã cổ phiếu thuộc nhóm xây lắp như: CTCP Tập đoàn PC1 (mã PC1), CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (mã chứng khoán TV2.
Cụ thể, việc tăng giá điện lần này sẽ giúp EVN có thêm khoảng 26.000 tỷ doanh thu cho năm 2024, qua đó hỗ trợ cải thiện khả năng thanh toán cho EVN cũng như dòng tiền kinh doanh và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp nhiệt điện này. Ngoài ra, việc EVN tăng giá điện cũng phần nào tạo dư địa lớn hơn để huy động từ các nguồn điện giá cao như than, khí, hỗ trở triển vọng sản lượng của các nhà máy này phục hồi trong thời gian tới.
Cùng với các doanh nghiệp sản xuất điện, một số doanh nghiệp xây lắp điện sẽ cũng được hưởng lợi khi tình hình tài chính của EVN được cải thiện. Giai đoạn 2022-23 là giai đoạn rất khó khăn cho các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng điện, hầu như không ký được hợp đồng xây lắp mới từ EVN, chính sách giá cho năng lượng tái tạo vướng mắc và dòng tiền cho các dự án cũng bị giãn đoạn.

Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 của PV Power. Ảnh: Huy Hùng/BNEWS/TTXVN

Hầu như các doanh nghiệp ghi nhận kết quả doanh thu xây lắp thấp khi EVN liên tục cắt giảm chi phí đầu tư, sửa chữa bảo dưỡng cho hệ thống điện. Theo đó, với nhu cầu công việc nhiều cho phát triển lưới điện, trung bình khoảng 1,5-1,6 tỷ USD hàng năm, EVN cần ổn định dòng tiền để thực hiện hóa điều này. Theo đó, MBS cho rằng hoạt động xây lắp sẽ tích cực hơn và các doanh nghiệp nổi bật trên sàn như PC1, TV2 sẽ được hưởng lợi.
Tuy nhiên các chuyên gia của CTCP Chứng khoán Mirae Asset lại cho răng việc tăng giá điện chưa tác động nhiều đến các doanh nghiệp sản xuất điện trong ngắn hạn bởi các thỏa thuận dài hạn khi ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Điển hình như Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Quảng Ninh… những dự án lớn ký hợp đồng thỏa thuận trong 25 năm, giá mua bán điện được đàm phán qua từng giai đoạn.
Trong khi đó, Mirae Asset nhận định việc tăng giá điện có thể tác động tích cực đối với những doanh nghiệp phân phối điện do hợp đồng đã ký dài hạn với giá rẻ, nay bán giá cao, giúp lợi nhuận doanh nghiệp nhiều khả năng tăng.
Ở chiều ngược lại, việc tăng giá bán lẻ điện cũng ảnh hưởng đáng kể đến một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện như xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy.
Trong báo cáo đánh giá tác động của việc tăng giá điện hồi tháng 5, CTCP Chứng khoán Mirae Asset ước tính chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép, mức này cũng tương đương với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất. Riêng lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán. Với doanh nghiệp sản xuất giấy, ước tính chi phí điện chiếm tỷ trọng thấp hơn một vài ngành khác, chiếm trung bình 4-5% trên chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Thực tế, doanh nghiệp có thể chuyển chi phí điện tăng, bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng qua đó có thể làm giảm ảnh hưởng việc gia tăng chi phí đầu vào. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng, giá điện tăng có thể ăn mòn một phần không nhỏ lợi nhuận.
Về dài hạn, giá điện bán lẻ tăng lên cùng sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán điện, phản ánh đúng tỷ lệ cung cầu trên thị trường điện.
Trên thị trường chứng khoán, ngày tính từ ngày 9/11 là ngày tăng giá điện tới 10/11, giá các cổ phiếu này đã biến động rõ rệt.
Cụ thể,
POW đã tăng 1,73% và đóng cửa ở mức 11.700 đồng/cổ phiếu.
NT2 đã tăng 3,07% và đóng cửa ở mức 25.150 đồng/cổ phiếu.
HND đã tăng 1,43% và đóng cửa ở mức 14.200 đồng/cổ phiếu.
QTP đã tăng 0,7% và đóng cửa ở mức 14.300 đồng/cổ phiếu.
PC1 đã tăng 2,6% và đóng cửa ở mức 29.650 đồng/cổ phiếu.
TV2 đã tăng 0,29% và đóng cửa ở mức 34.900 đồng/cổ phiếu./.

Spread the love
Back To Top