Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, năng lượng là nhóm hàng duy nhất tăng giá trong ngày giao dịch đầu tuần 18/12. Lực bán áp đảo, giá phần lớn mặt hàng nhóm nông sản, nguyên liệu công nghiệp và năng lượng giảm đã khiến chỉ số MXV-Index đánh mất 1,23% xuống 2.221 điểm.
Tuy nhiên, nhờ ưu điểm giao dịch hai chiều, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn tăng 43,8% lên hơn 7.200 tỷ đồng trong ngày hôm qua. Đây là con số giao dịch cao nhất trong hơn 11 tháng đầu năm nay. Trong đó, nổi bật, dòng tiền giao dịch nhóm hàng năng lượng gia tăng mạnh mẽ, lên tới gần 176% so với ngày trước.
Lo ngại về sự gián đoạn thương mại hàng hải tại biển Đỏ, giá dầu đã tăng vọt. Ở chiều ngược lại, giá mặt hàng đường xuống mức đáy trong vòng gần 8 tháng trở lại đây.
Giá dầu bật tăng gần 2% do lo ngại nguồn cung gián đoạn tại biển Đỏ
Kết thúc ngày giao dịch hôm qua, giá dầu bật tăng gần 2% lên mức cao nhất trong hai tuần do lo ngại về sự gián đoạn thương mại hàng hải tại biển Đỏ. Nhóm phiến quân Houthi đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào các tàu ở phía Nam, khiến các hãng tàu lớn phải tạm thời tránh xa khu vực.
Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 1,45% lên 72,82 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại 77,95 USD/thùng, tăng 1,83% so với phiên trước.
Lực lượng Houthi, nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn, đã gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào các tàu buôn ngoài khơi bờ biển Yemen trong những tuần gần đây để phản đối cuộc xung đột của Israel tại Gaza. Căng thẳng địa chính trị leo thang khiến các chủ tàu phải định tuyến lại.
Tập đoàn năng lượng BP của Anh cho biết sẽ tạm dừng tất cả lưu lượng tàu chở dầu qua biển Đỏ. Nhà sản xuất năng lượng Equinor của Na Uy cũng đưa ra cảnh báo sẽ hạn chế các chuyến hàng xuất khẩu qua tuyến đường tại khu vực này. Chủ tàu lớn Euronav NV cũng đã quyết định tránh xa khu vực này vì lý do an toàn. Trong khi đó, hãng vận tải container Hapag-Lloyd AG của Đức đang gửi một số tàu đi vòng quanh phía Nam châu Phi thay vì đi qua kênh đào Suez.
Các hãng vận tải khác cũng có động thái tương tự vào cuối tuần qua. Một số cho biết sẽ không gửi tàu qua kênh đào Suez trước các mối đe dọa ngày càng tăng, sau khi quân đội Mỹ bắn hạ 14 máy bay không người lái ở biển Đỏ từ các khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen.
Các cuộc tấn công của nhóm phiến quân Houthi đang làm gia tăng mối đe dọa đối với một trong những hành lang thương mại quan trọng nhất thế giới, với khoảng 12% lưu lượng vận tải biển đi qua. Trong khi đó, khoảng 8 – 10% lưu lượng dầu thô toàn cầu chảy qua biển Đỏ, phần lớn đến Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Lo ngại nguồn cung toàn cầu gián đoạn đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ đối với giá dầu.
Thêm vào yếu tố hỗ trợ giá, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Nga sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu thêm ít nhất 50.000 thùng/ngày trong tháng 12, sớm hơn cam kết, khi nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới cố gắng hỗ trợ giá dầu toàn cầu. Trong cuộc họp ngày 30/11, Nga tuyên bố sẽ gia hạn cắt giảm nguồn cung dầu tự nguyện 300.000 thùng/ngày và cắt giảm tự nguyện xuất khẩu thêm 200.000 thùng sản phẩm tinh chế/ngày trong quý đầu tiên của năm 2024.
Giá đường xuống mức thấp nhất trong vòng gần 8 tháng
Trên bảng giá nhóm hàng nguyên liệu công nghiệp ngày giao dịch hôm qua, giá đường 11 giảm thêm 3,09% trong phiên hôm qua, đưa giá về mức thấp nhất trong gần 8 tháng. Mưa quay lại Brazil và nhiệt độ dịu đi khiến thị trường phần nào an tâm hơn về nguồn cung đường tại quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Điều này cũng lấn át áp lực về sản lượng đường eo hẹp tại Ấn Độ.
Một cơ quan thương mại tại Ấn Độ cho biết sản lượng đường từ đầu niên vụ 2023/24 (1/10/2023) đến hết 15/12 của quốc gia này ở mức 7,4 triệu tấn, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ở diễn biến khác, giá Robusta đảo chiều giảm 1,03% sau 5 phiên tăng liên tiếp trước đó. Áp lực từ yếu tố kỹ thuật đã lấn át hỗ trợ từ thông tin cơ bản đối với giá Robusta. Hiện tại, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU ở mức 34.220 tấn, giảm dần về mức thấp nhất lịch sử hồi cuối tháng 8, với 33.660 tấn.
Trong khi đó, thông tin cơ bản trái chiều khiến giá Arabica biến động mạnh, khép lại phiên đầu tuần giá tăng 0,95% so với tham chiếu. Nắng nóng gay gắt tại khu vực trồng cà phê chính của Brazil dự kiến sẽ dịu bớt và lượng mưa tăng lên đáng kể 10 ngày tới. Điều này tạo điều kiện cây cà phê niên vụ 2024/25 phát triển tốt hơn nhưng cũng có những nghi ngờ về khả năng thích nghi của cây trồng khi thời tiết thay đổi.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đang hồi phục từ mức thấp nhất trong hơn 24 năm nhưng tốc độ tăng vẫn chậm. Tuần trước, lượng cà phê đã chứng nhận tăng 6.740 bao loại 60kg, đưa tổng số bao hồi phục lên 18.333 bao. Dù vậy, tổng lượng cà phê đạt chuẩn tăng lên trong suốt hơn hai tuần vẫn chưa bằng 1/3 số bao mất đi trong hai ngày trước khi cán mức thấp nhất trong hơn 24 năm.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (19/12), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ dao động trong khoảng 66.300 – 66.700 đồng/kg, tiếp tục tăng so với hôm qua.
Trên bảng giá giao dịch hôm qua, giá bông giảm 1,04%, đánh dấu phiên suy yếu thứ ba liên tiếp. Thị trường tiếp tục neo theo lo ngại nhu cầu về bông, cụ thể là bông Mỹ đang ở mức thấp. Trong báo cáo xuất khẩu hàng tuần kết thúc ngày 7/12, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết quốc gia này chỉ bán được 57.800 kiện bông của vụ 2023/24, giảm 50% so với tuần trước và 88% so với mức trung bình 4 tuần gần nhất.
Giá dầu cọ thô tăng 0,95% trong phiên đầu tuần trước lo ngại nguồn cung thấp. Nhà khảo sát hàng hóa Intertek testing Services cho biết, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong nửa đầu tháng 12 giảm 13,6% so với tháng trước, xuống 591.490 tấn.