Nền kinh tế Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng từ những khó khăn trên thị trường bất động sản trong hơn hai năm qua.
Nếu “bong bóng” bất động sản Trung Quốc vỡ và gây ra khủng hoảng tài chính, tăng trưởng kinh tế của quốc gia này sẽ bị kẹt ở mức khoảng 1%, gây nguy hiểm cho mục tiêu tăng gấp đôi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2035.
Đó là cảnh báo được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) đưa ra trong báo cáo mới công bố ngày 19/12.
Báo cáo của JCER đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của 18 nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương đến năm 2035, với các cập nhật hàng năm phản ánh tình hình chính sách và điều kiện kinh tế mới nhất.
Nền kinh tế Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng từ những khó khăn trên thị trường bất động sản trong hơn hai năm qua. JCER cảnh báo việc đưa ra các phản hồi không hợp lý có thể gây ra những hậu quả đáng ngại cho nền kinh tế. Kế hoạch tăng cường hỗ trợ tài chính cho các công ty bất động sản của chính phủ cũng có thể đặt gánh nặng quá mức lên hệ thống tài chính.
Cùng với đó, hoạt động bán nhà chung cư đình trệ và giá cả lao dốc có thể khiến tình trạng vỡ nợ đối với các khoản vay ngân hàng tăng mạnh, dẫn đến khủng hoảng tài chính lan rộng tại các ngân hàng vừa và nhỏ.
Trong báo cáo, JCER đã giả định một vụ “nổ bong bóng” bất động sản như một trong những kịch bản tiềm năng. Theo dự báo của JCER, kịch bản đó có thể xảy ra vào năm 2027.
Các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và lĩnh vực khác có thể sẽ chậm lại đáng kể khi chính phủ ưu tiên việc trả nợ. Dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc sẽ tăng tốc và đồng nhân dân tệ sẽ giảm từ mức 7,1 NDT đổi 1 USD xuống 9 NDT đổi 1 USD.
Theo kịch bản “bong bóng vỡ”, tốc độ tăng trưởng thực tế của Trung Quốc sẽ bằng 0 vào năm 2027 – trái ngược với mức 3,2% trong kịch bản cơ sở (không xảy ra khủng hoảng kinh tế lớn nào). Sau năm 2029, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ dao động dưới ngưỡng 1,5%.
Sự suy thoái của Trung Quốc cũng sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng ở các nền kinh tế khác do hoạt động thương mại trì trệ. Tốc độ tăng trưởng thực tế vào năm 2027 của 17 nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngoài Trung Quốc sẽ thấp hơn từ 0,7 – 0,9 điểm phần trăm so với kịch bản cơ sở.
Bên cạnh đó, giới lãnh đạo Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ tăng gấp đôi GDP danh nghĩa và nâng GDP danh nghĩa bình quân đầu người của nước này lên ngang bằng với các nước phát triển tầm trung (khoảng từ 20.000-30.000 USD).
Báo cáo ước tính rằng trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính lớn, GDP danh nghĩa của Trung Quốc tính theo đồng NDT vào năm 2035 sẽ chỉ gấp 1,9 lần so với mức năm 2020. GDP danh nghĩa bình quân đầu người tính bằng USD sẽ chỉ trên 15.000 USD/người.
Trong kịch bản cơ sở, cả GDP và GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đều được dự báo sẽ đáp ứng các mục tiêu của chính phủ. Loại bỏ rủi ro tài chính xuất phát từ những rắc rối trong lĩnh vực bất động sản và tài chính địa phương là chìa khóa để đạt được mục tiêu trên.
Tuy nhiên, ngay cả trong kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng thực tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại và giảm xuống dưới 3% vào năm 2029 rồi dưới 2% vào năm 2035.
JCER cũng tính toán một kịch bản trong đó Trung Quốc thúc đẩy cải cách nhằm đảo ngược tình trạng tăng trưởng kinh tế hạ nhiệt.
Trong kịch bản này, việc chính phủ ưu tiên xử lý các khoản nợ xấu sẽ giúp giảm bớt các rủi ro tài chính. Và bất đồng thương mại của Trung Quốc với Mỹ cũng sẽ giảm. Báo cáo giả định rằng những nỗ lực này sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và duy trì tăng trưởng năng suất tại Trung Quốc.
Trong kịch bản này, Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng thực tế là 2,5% vào năm 2035.