Lần đầu góp mặt tại giải đấu dành cho các đội tuyển có trình độ trung bình ở châu lục do Liên đoàn Bóng chuyền châu Á (AVC) tổ chức, tuyển Việt Nam đứng trước cơ hội giành một trong những thứ hạng cao nhất.
Giải thưởng lớn nhất dành cho đội vô địch là suất tham dự FIVB Challenge Cup 2023, sự kiện bóng chuyền hàng đầu thế giới chỉ sau VNL, quy tụ các đội bóng mạnh khắp các châu lục về tranh tài tại Pháp vào tháng 7.
Tuy mới lần đầu tham gia tranh tài, đội tuyển Việt Nam đã nổi lên với tư cách một trong những ứng viên sáng giá cho chức vô địch AVC Challenge Cup 2023. Các cầu thủ dưới quyền HLV Nguyễn Tuấn Kiệt đã thi đấu cực kỳ xuất sắc trong màu áo Sport Center 1, lần lượt đánh bại các đại diện hùng mạnh của Đài Loan – Trung Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc rồi cả Thái Lan để lần đầu tiên giành ngôi quán quân AVC Cup hồi tháng 4.
Đội tuyển Việt Nam sẵn sàng hành trình chinh phục AVC Challenge Cup 2023 (Ảnh: ĐÔNG LINH)
Cũng với lực lượng này, tuyển Việt Nam sau đó suýt làm nên chuyện ở SEA Games 32, dẫu không thể giành được bộ HCV bóng chuyền nữ nhưng cũng khiến tuyển nữ Thái Lan phải thót tim trong chiến dịch bảo vệ ngôi vô địch khu vực. Màn trình diễn ấn tượng ở 2 giải đấu quan trọng liên tiếp chính là tiền đề để đội bóng “các cô gái chân dài” Việt Nam thêm hy vọng.
AVC Challenge Cup sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 25-6 tại Indonesia. Rơi vào bảng đấu khá “dễ thở”, tuyển Việt Nam hoàn toàn có cơ hội qua mặt Mông Cổ và Uzbekistan. Mông Cổ với nòng cốt là các cầu thủ CLB Khuvsgul Erchim đã từng đến Việt Nam tham dự AVC Women’s Club 2023 hồi tháng 4 và chỉ xếp hạng 8/9 chung cuộc. Trong khi đó, Uzbekistan từng không thắng nổi trận nào tại AVC Challenge Cup 2022, thua cả đại diện trung bình vùng Đông Nam Á là Malaysia sau 5 ván.
Kazakhstan rút lui giờ chót, đương kim vô địch Hồng Kông-Trung Quốc không có kế hoạch tăng cường lực lượng, Đài Loan – Trung Quốc có thể chỉ cử một đội bóng trung học tham dự; đối thủ cạnh tranh chỉ còn Philippines và chủ nhà Indonesia, hai đội bóng mà tuyển Việt Nam đã rất chật vật để đánh bại tại SEA Games 32.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, mục tiêu của tuyển Việt Nam là nhanh chóng vượt qua giai đoạn đấu chéo sau vòng bảng, cụ thể là phải giành ưu thế trước các đội nhất nhì bảng B (từ ba đại diện Hồng Kông – Trung Quốc, Đài Loan – Trung Quốc, Iran) để giành quyền vào tranh bán kết. Không có quá nhiều đối thủ trình độ vượt trội, đội mạnh nhất là Kazakhstan lại vừa tuyên bố rút lui khỏi giải, cơ hội để tuyển Việt Nam giành chiến thắng cao nhất tại giải càng rộng mở, tất nhiên, chỉ khi đoàn quân của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt thi đấu đúng với tinh thần và phong độ đã thể hiện tại AVC Club cũng như SEA Games 32.