Bộ Công Thương và Uniqlo hợp tác thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm dệt may

Bộ Công Thương đề nghị lãnh đạo tập đoàn Fast Retailling có chính sách, chiến lược để tăng tỷ lệ hàng sản xuất tại Việt Nam so với hàng nhập khẩu được bán tại các cơ sở bán lẻ của mình.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và lãnh đạo Tập đoàn Fast Retailing trao đổi cơ hội hợp tác trong lĩnh vực dệt may. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại diện Tập đoàn Fast Retailling đề nghị Bộ Công Thương Việt Nam giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực, uy tín trong lĩnh vực dệt may để tiến hành hợp tác đồng thời tạo điều kiện để liên doanh tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối tại Việt Nam.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Công Thương với ông Noriaki Koyama, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Fast Retailling (tập đoàn sở hữu một loạt các thương hiệu nổi tiếng thời trang nổi tiếng trong đó có Uniqlo) trong chuyến công tác mới đây tại Nhật Bản.

Cần có chiến lược tăng tỷ lệ hàng sản xuất tại Việt Nam

Hiện Fast Retailing đang hợp tác với 69 nhà máy gia công và 11 nhà máy cung cấp nguyên vật liệu tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, con số này còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm lực doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp, tạo thuận lợi cho kế hoạch phát triển của Liên doanh Uniqlo trong thời gian tới và đề nghị công ty cần có chính sách, chiến lược để tăng tỷ lệ hàng sản xuất tại Việt Nam so với hàng nhập khẩu được bán tại các cơ sở bán lẻ của mình.

[Fast Retailing báo cáo lợi nhuận ròng đạt kỷ lục]

Bên cạnh đó, ông Hải đề nghị Fast Retailing tăng dần số lượng các nhà máy gia công và nhà máy cung cấp nguyên vật liệu tại Việt Nam trong thời gian tới cũng như đề nghị công ty đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam và tham gia hợp tác, hỗ trợ phát triển ngành dệt may-da giày của Việt Nam phù hợp với Chiến lược phát triển công nghiệp dệt may-da giày đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành trung tâm sản xuất lớn của toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng với sự đa dạng, phong phú chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng hàng hóa ngày càng được cải thiện.

Bộ Công Thương và Tập đoàn Fast Retailling thống nhất trao đổi việc tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống Uniqlo ở các nước trong thời gian tới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với sự hỗ trợ của các Tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới như Fast Retailing, cơ hội đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường, xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài đang ngày càng được mở rộng.

“Với cam kết tại COP26 đạt mức phát thải bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam đang nỗ lực hướng tới sản xuất và tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường nhờ đó dần tạo được lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu về dài hạn,” ông Hải nói.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị Uniqlo tiếp tục mở rộng thêm mạng lưới các nhà máy sản xuất tại Việt Nam, hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam cả trong quản trị sản xuất, quản trị chất lượng, quản trị trách nhiệm xã hội doanh nghiệp…

Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm “Made in Việt Nam”

Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như quyền lợi của doanh nghiệp, Thứ trưởng cũng đề nghị Tập đoàn Fast retailing phối hợp, hỗ trợ Tổng Cục Quản lý thị trường trong việc nhận biết những dấu hiệu vi phạm, xâm phạm nhãn hiệu hàng hoá và sở hữu trí tuệ để có thể phối hợp tiến hành kiểm tra, ngăn chặn tình trạng hàng nhập lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp, ông Noriaki Koyama cho biết các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đã được bán rộng khắp tại hệ thống Uniqlo trên toàn thế giới. Tập đoàn Fast Retailing định vị Việt Nam là một trong những cứ điểm quan trọng trong Chiến lược sản xuất với định hướng sản xuất những sản phẩm dựa trên nhu cầu thực tế của cuộc sống, với những trang phục hằng ngày đơn giản nhưng chất lượng cao, cùng với sự tinh tế trong từng chi tiết, không ngừng được đổi mới, sáng tạo để mang tới sự thoải mái và tiện dụng tối đa cho người tiêu dùng.

Ông Noriaki Koyanma nhấn mạnh thời gian tới Tập đoàn sẽ ưu tiên tăng cường số lượng cũng như chất lượng các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Tại cuộc họp, hai bên cũng thống nhất sẽ xem xét việc tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống Uniqlo ở các nước trong thời gian tới. Trước mắt trong năm 2023 là việc tổ chức Tuần lễ thời trang quảng bá sản phẩm “Made in Vietnam” trong hệ thống cửa hàng tại Việt Nam, từ đó rút kinh nghiệm để xây dựng mô hình phù hợp khi quảng bá ra các nước khác trong hệ thống.

Hai bên cũng thống nhất tăng cường trao đổi để tiến tới sớm ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Bộ Công Thương và Uniqlo Việt Nam nhằm hỗ trợ phát triển ngành dệt may Việt Nam, trong đó tập trung vào ba nội dung chính là Phát triển thương mại, Đẩy mạnh sản xuất trong nước và Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Khách hàng mua sắm tại một của hàng của Uniqlo trên phố Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đặc biệt, Tập đoàn Fast Retailling đã nhận lời mời của Bộ Công Thương, cử nhân sự cấp cao tham gia sự kiện kết nối các nhà cung ứng quốc tế – Viet Nam International Sourcing 2023 do Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 13-15/9 tới đây tại thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam nhằm gia tăng số lượng nhà máy sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu, phụ kiện cho chuỗi cửa hàng của Uniqlo trên toàn cầu.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Tập đoàn Fast Retailing tại Việt Nam đặc biệt là việc thúc đẩy việc sản xuất các sản phẩm dệt may tại Việt Nam để tiêu thụ tại nhiều nước trên thế giới thông qua hệ thống phân phối của Tập đoàn, đổng thời khẳng định Bộ Công Thương sẽ luôn quan tâm, tạo thuận lợi và hỗ trợ giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam./.

Theo: Vietnamplus.vn
Spread the love
Back To Top