Apple đối mặt với vụ kiện tập thể liên quan đến phí hoa hồng

Ông Sean Ennis, Giáo sư tại Trung tâm Chính sách Cạnh tranh tại Đại học East Anglia, nhận định Apple tính phí quá cao cho các nhà phát triển ứng dụng và các khoản phí này không công bằng.

Biểu tượng của Apple tại một cửa hàng ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Apple đã trở thành mục tiêu của một vụ kiện tập thể trị giá 785 triệu bảng Anh (khoảng hơn 1 tỷ USD) do hơn 1.500 nhà phát triển ứng dụng ở nước này đưa ra liên quan đến khoản phí họ phải trả cho cửa hàng ứng dụng trực tuyến App Store.

Vụ kiện được ông Sean Ennis, Giáo sư tại Trung tâm Chính sách Cạnh tranh tại Đại học East Anglia và cũng là cựu kinh tế gia tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thay mặt cho 1.566 nhà phát triển ứng dụng tại Vương quốc Anh đệ trình lên Tòa Phúc thẩm về vấn đề cạnh tranh.

Công ty luật Geradin Partners phụ trách cố vấn cho ông Ennis.

Trong một tuyên bố, ông nhận định Apple tính phí quá cao cho các nhà phát triển ứng dụng. Điều này chỉ có thể xảy ra do sự độc quyền của “Táo khuyết” trong việc phân phối ứng dụng trên điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad.

Theo ông, các khoản phí này không công bằng và liên quan tới việc Apple lạm dụng vị thế để đưa ra mức phí cao. Điều này không chỉ gây hại cho các nhà phát triển ứng dụng mà còn tác động tới cả người mua ứng dụng.

Hoạt động kinh doanh dịch vụ của Apple, bao gồm cả App Store, đã ghi nhận doanh thu tăng trưởng nhanh chóng trong vài năm qua và hiện dao động quanh mức 20 tỷ USD mỗi quý.

Tuy nhiên, khoản hoa hồng từ 15% đến 30% mà công ty tính cho một số nhà sản xuất ứng dụng đã bị các nhà phát triển chỉ trích. Các cơ quan quản lý chống độc quyền ở một số quốc gia cũng đã nhắm đến khoản phí này.

Apple trước đây đã nói rằng 85% nhà phát triển trên App Store không trả bất kỳ khoản hoa hồng nào. Chính điều đó giúp các nhà phát triển châu Âu tiếp cận thị trường và khách hàng ở 175 quốc gia trên thế giới thông qua App Store.

Trong khi đó, Apple hiện đang nghiên cứu các dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) tương tự như ChatGPT của OpenAI và Bard của Google. Theo các nguồn thạo tin, Apple đã xây dựng “Ajax” – một khuôn khổ riêng chuyên để tạo ra các mô hình ngôn ngữ lớn và cũng đang thử nghiệm một chatbot – trợ lý ảo mà một số kỹ sư gọi là “Apple GPT.”

Các nguồn tin cho hay trợ lý ảo mới của Apple có thể tóm tắt văn bản và trả lời các câu hỏi dựa trên dữ liệu mà nó đã được đào tạo.

Trợ lý ảo này đang được sử dụng nội bộ để tạo ra các sản phẩm mẫu và có thể hoạt động như một ứng dụng tích hợp trên trang web. Theo các nhân viên, công cụ này về cơ bản giống Bard, ChatGPT và Bing AI của Microsoft.

Báo cáo của Bloomberg cho biết một số nhóm đang tham gia vào nỗ lực AI mới nhất của Apple. Dẫn đầu là ông John Giannandrea, người đứng đầu bộ phận học máy (machine learning) và AI, cùng ông Craig Federighi, kỹ sư phần mềm hàng đầu của Apple.

Apple cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ động thái đáng kể nào về lĩnh vực AI. Thậm chí, hãng còn tránh đề cập đến từ này tại hội nghị nhà phát triển vào tháng Sáu vừa qua.

Diễn biến đó trái ngược hoàn toàn với những “gã khổng lồ” công nghệ khác như Alphabet và Microsoft, khi cả hai công ty đã có những bước đi táo bạo để kết hợp công nghệ đột phá này./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top