Lãi suất tiếp tục giảm, dòng tiền đang dịch chuyển vào chứng khoán

Khi hàng loạt ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động về mức dưới 8%/năm, dòng tiền nhàn rỗi có dấu hiệu dịch chuyển sang chứng khoán. Điều này đã giúp thanh khoản thị trường chứng khoán ngày càng được nới rộng, dù nhịp tăng chậm nhưng đều.

Lãi suất tiếp tục giảm

Từ đầu tháng 7 đến nay, đã có hơn 20 ngân hàng giảm lãi suất huy động. Trong đó, nhiều ngân hàng đã hai lần giảm lãi suất như SeABank, MSB, NamA Bank… Mức giảm phổ biến nhất tại các ngân hàng là 0,2%/năm, một số ngân hàng giảm mạnh từ 0,5 – 0,8%/năm như: SHB, BacABank, OCB, NamABank, TPBank, SeABank…

Biểu lãi suất các ngân hàng cập nhật lúc 12 giờ ngày 27/7/2023. Nguồn: webgia

Không chỉ ngân hàng nhỏ, nhóm Big4 (gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank) cũng vừa đồng loạt hạ lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn tiền gửi. Theo đó, BIDV giảm 0,1% ở kỳ hạn gửi 1 tháng và 2 tháng xuống 3,3%/năm. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn còn lại, cao nhất là 6,3%/năm tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Tương tự, Vietcombank cũng vừa có một số điều chỉnh lãi suất tại quầy, giảm 0,1% ở kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng xuống 3,3%/năm. Đối với gửi tiết kiệm trực tuyến, Vietcombank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng từ 3,6%/năm xuống 3,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm 0,1% xuống còn 4,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng giảm 0,1% xuống 5,1%/năm.

Tại Agribank, lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 13 tháng – 24 tháng đồng loạt giảm từ 6,3%/năm xuống 6%/năm. Ngoài ra, ngân hàng cũng giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng từ 3,4% xuống 3,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng được giữ nguyên 6,3%/năm.

VietinBank cũng có điều chỉnh tương tự, ngân hàng giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng tại quầy từ 3,4% xuống 3,3%/năm. Trong khi đó, các mức lãi suất gửi tại quầy kỳ hạn 3 – 6 – 12 tháng vẫn như cũ, lần lượt là 4,1% – 5% – 6,3%/năm.

Nhìn chung, hầu hết lãi suất của các ngân hàng ở kỳ hạn 12 tháng đều đang ở mức dưới 8%/năm. Trong đó, ngân hàng VietBank đang có mức lãi suất cao nhất với 7,7%/năm; tiếp đó là VietABank, CBBank đều 7,6%/năm; ABBank, NCB, BaoVietBank, PGBank đứng vị trí thứ ba, với 7,5%. Một số ngân hàng khác cũng có mức lãi suất trên 7%/năm là: Eximbank (7,4%/năm), VietcapitalBank (7,35%/năm), Oceanbank (7,3%/năm), GPBank (7,25%/năm)…

Các ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm thấp nhất hiện nay là 45 (đều 6,3%/năm), TPBank (6,5%/năm), VPBank (6,5%/năm), LPBank (6,6%/năm)…

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế – tài chính, lãi suất tiết kiệm liên tục giảm là do một loạt động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Bên cạnh đó, thanh khoản của ngân hàng cũng đang dư thừa trong bối cảnh huy động được tiền gửi nhưng lại khó cho vay.

Trước đó, ngày 25/7, tại hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng đã cho biết: “Có điều kiện NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành. Nếu không, các ngân hàng thương mại sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay dựa trên giảm chi phí”.

Dòng tiền chuyển dịch vào chứng khoán

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích CTCK KIS Việt Nam cho rằng, vẫn có thể còn một đợt NHNN giảm lãi suất điều hành nữa. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào biến động của tỷ giá.

Thị trường chứng khoán trong 1 tháng có xu hướng tăng nhẹ và đều. Nguồn: Vietstock.

Tuy nhiên, với mức lãi suất huy động không còn hấp dẫn, trong khi ngày 26/7, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lại tiếp tục thông báo nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 5,25% – 5,5%, là mức cao nhất kể từ đầu năm 2001 và cũng là đợt nâng lãi suất thứ 11 của Fed kể từ tháng 3/2022.

“Điều này cũng đồng nghĩa, tỷ giá bắt đầu có xu hướng tăng dù không quá mạnh, nên NHNN có thể sẽ vẫn còn chờ động thái tiếp theo của dòng vốn khối ngoại. Nếu dòng này không chảy ra khỏi Việt Nam nhiều trong các đợt tăng lãi suất của Fed thì NHNN có thể sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất nữa”, ông Hiếu nhận định.

Theo nhóm phân tích Công ty chứng khoán ACB (ACBS), với sự tăng trưởng và phục hồi của thị trường trong thời gian gần đây, cộng thêm mặt bằng lãi suất huy động thấp và các kênh đầu tư khác đang khó để tham gia, dòng tiền nhàn rỗi sẽ tập trung vào thị trường chứng khoán. Chính vì vậy, nhiều công ty chứng khoán kỳ vọng, dòng tiền nhàn rỗi sẽ dịch chuyển mạnh sang thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm.

Trên thực tế, trong thời gian gần đây, dòng tiền nhàn rỗi đã có xu hướng chuyển vào chứng khoán, dù chưa nhiều. Minh chứng, lãi suất margin cao nhất của top 20 công ty chứng khoán có dư nợ cao nhất tính đến quý 1/2023 đã giảm từ mức 14 – 15,6%/năm xuống còn 8 – 9%/năm; đồng thời, ưu đãi phí với mức thấp là 0%. Song song đó, lãi suất huy động liên tục giảm. Theo đó, thanh khoản đã liên tục bùng nổ, đạt mức trung bình hơn 15.000 tỷ đồng/phiên ở tháng 6/2023.

Ngoài ra, ACBS cũng cho rằng, hiện NHNN đang có sự quyết tâm đưa dòng tiền ra khỏi kênh trú ẩn an toàn là gửi tiết kiệm, đây sẽ là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng hoặc mua vào để đón đầu xu hướng này. Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và nên nắm giữ những nhóm cổ phiếu dẫn dắt, có câu chuyện riêng. Khi thị trường phục hồi, nhóm chứng khoán, đầu tư công, xây dựng và vật liệu xây dựng sẽ đem lại bất ngờ.

Đồng quan điểm, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, hiện dòng tiền đang luân chuyển nhanh qua các ngành và tập trung vào lớp cổ phiếu vừa và nhỏ, giúp nhóm này giao dịch sôi động, tăng giá mạnh, trong khi dòng vốn hóa lớn như ngân hàng chuyển động chậm hơn hay các cổ phiếu trụ như VNM, GAS, “họ” cổ phiếu Vingroup, MSN… vẫn “nằm im”.

Tuy nhiên, theo ông Khoa, dù giao dịch sôi động ở một số nhóm nhưng bản chất thị trường chưa thể bứt phá. Yếu tố cơ bản chưa đủ mạnh, chưa đủ yếu tố tích cực nên dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài; đồng thời xu hướng đầu tư này làm tăng khối lượng giao dịch nhưng không cải thiện đáng kể giá trị giao dịch.

“Chu kỳ hồi phục của thị trường được hỗ trợ bởi chu kỳ giảm lãi suất có tính bền vững hơn so các yếu tố khác. Các đợt hạ lãi suất cần có thời gian từ 3 – 6 tháng để phản ánh đầy đủ vận động của thị trường. Do vậy, vận động của chỉ số và dòng tiền hiện tại là giai đoạn tích lũy cần thiết cho đợt vận động xác lập xu hướng và tăng trưởng thanh khoản sau này”, ông Khoa cho biết thêm.

Cũng theo ông Khoa, chu kỳ thị trường chứng khoán luôn đi trước chu kỳ vĩ mô nên chính tâm lý nghi ngờ là dư địa cho thị trường và thanh khoản dần cải thiện. Nhà đầu tư có thể canh mua ở những nhịp điều chỉnh ngắn hạn để có thể đón một chu kỳ tăng điểm đồng hành với chu kỳ hạ lãi suất. Cơ hội thị trường đã tăng dần khi diễn biến các chỉ số ổn định và dòng tiền luân chuyển nhanh qua các lớp cổ phiếu. Cơ hội lớn dần thì dòng tiền mới sẽ dần chuyển dịch vào chứng khoán.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị với nhóm cổ phiếu penny và midcap. Theo đó, nhà đầu tư chỉ nên giải ngân tại các cổ phiếu có động lượng tốt, ưu tiên các cổ phiếu có đường EMA cao dần (EMA 9 > EMA 13 > EMA 50 > EMA 200). Trong khi với nhóm bluechips, khuyến nghị của chuyên gia vẫn là ưu tiên nắm giữ trong trung và dài hạn.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top