Từ năm 2017, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu phát triển nhanh với sự gia tăng của cả khối lượng phát hành và số lượng doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu. Giai đoạn vừa qua, NHNN cũng triển khai việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo hướng an toàn, hiệu quả hơn. Việc các ngân hàng thực hiện giảm dần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng tác động đến các doanh nghiệp phải tìm kiếm các kênh huy động vốn khác (vì đã chạm hạn mức vay tín dụng). Do đó TPDN là kênh huy động rất phù hợp của doanh nghiệp và thời gian gần đây các doanh nghiệp đã mở rộng kênh huy động này để huy động vốn trong xã hội.
Về phía nhà đầu tư, thị trường TPDN cung cấp thêm một công cụ, sản phẩm đầu tư mới ngoài các kênh đầu tư như gửi tiền ngân hàng, mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp. Đối với TPDN, nhà đầu tư còn có lợi thế về tính thanh khoản khi có thể bán lại trái phiếu trên thị trường thứ cấp. Đặc biệt, trong những năm gần đây, NHNN điều hành thận trọng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ngân hàng. Lãi suất huy động tiền gửi thấp, trong khi lãi suất TPDN bình quân khoảng 9%, cá biệt có những trường hợp lãi suất cao hơn trên 10% đã hấp dẫn các nhà đầu tư. Đây là nguyên nhân TPDN hấp dẫn những cũng là những rủi ro phát sinh đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ/không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không tìm hiểu đầy đủ hồ sơ của doanh nghiệp phát hành và rủi ro của trái phiếu.
Trước thực trạng thị trường TPDN phát triển nóng và phát sinh nhiều rủi ro, thời gian qua, Bộ Tài chính đã liên tục ban hành các khuyến nghị, cảnh báo rủi ro trên thị trường TPDN thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, đối với các nhà đầu tư cần phải hiểu biết mình là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào TPDN, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý quy định hiện hành chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN riêng lẻ. Mọi hành vi gian lận để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện thanh kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi gian lận này.
Một nội dung khác, nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý khi mua TPDN do các doanh nghiệp phát hành thông qua ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán. Trường hợp này, ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán chỉ đóng vai trò là đại lý phát hành, phân phối TPDN, toàn bộ rủi ro khi mua TPCP là của doanh nghiệp phát hành, các ngân hàng thương mai hoặc công ty chứng không chịu trách nhiệm nếu doanh nghiệp không thanh toán gốc, lãi. Trường hợp TPDN được giới thiệu là có bảo lãnh thì nhà đầu tư phải lưu ý phân loại là trái phiếu đó được bảo lãnh thanh toán hay đó là bảo lãnh phát hành. Trái phiếu được bảo lãnh thanh toán nghĩa là khi đáo hạn thanh toán gốc lãi trái phiếu nếu doanh nghiệp phát hành không trả được thì tổ chức bảo lãnh thanh toán sẽ trả thay. Còn nếu trái phiếu được giới thiệu là được bảo lãnh phát hành nghĩa là tổ chức bảo lãnh chỉ thực hiện hỗ trợ, bảo lãnh việc phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp đến nhà đầu tư nếu nhà đầu tư không mua hết thì tổ chức bảo lãnh phát hành sẽ mua phần còn lại.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý giám sát tình hình phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về TPDN và bám sát theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công An, các cơ quan điều tra. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường (gian lận thông tin, chuyển vốn lòng vòng, các hình thức lách luật để phân phối cho nhà đầu tư cá nhân,…) mà phạm vi công tác thanh tra, kiểm tra không thể xác định được để xử lý nghiêm minh, đảm bảo sự phát triển minh bạch của thị trường./.