Hiện đã có nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, tăng ưu đãi hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và các chính sách riêng về nhà ở lưu trú công nhân trong KCN, nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Để triển khai hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030,” đại diện Bộ Xây dựng ngày 19/2 cho biết trong năm 2024, cả nước sẽ phấn đấu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội theo mục tiêu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024.
Đã quy hoạch 1.249 khu đất làm nhà ở xã hội
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, với việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), hiện nay đã có nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, tăng ưu đãi hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và các chính sách riêng về nhà ở lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Về việc quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, đại diện Bộ Xây dựng cho biết qua tổng kết báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước hiện đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390 ha làm nhà ở xã hội.
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 15 chương, 210 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024; Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 260 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.
Như vậy so với báo cáo năm 2023 (năm 2019, cả nước quy hoạch 3.359 ha) thì diện tích đất phát triển làm nhà ở xã hội hiện đã tăng thêm hơn 5.00 ha. Trong số đó một số địa phương quan tâm đến việc quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội như: Đồng Nai 1.063 ha; Thành phố Hồ Chí Minh 608 ha; Long An 577 ha; thành phố Hải Phòng 471 ha; thành phố Hà Nội 412 ha.
“Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương chưa quy hoạch bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội như Ninh Bình, Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Đắk Nông, Ninh Thuận, Đồng Tháp,” báo cáo của Bộ Xây dựng lưu ý.
Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/2/2023 của Chính phủ, theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nay đã có 27 địa phương công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 27.966 tỷ đồng.
Tính đến ngày 5/2/2024, trên cả nước đã có 5 dự án nhà ở xã hội (tại các tỉnh Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Lạng Sơn, An Giang) được giải ngân với số vốn khoảng 416 tỷ đồng. Như vậy với gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, bước đầu đã có kết quả, song giải ngân còn chậm.
“Thời gian tới, với sự quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội thì việc giải ngân gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng sẽ đạt kết quả tốt hơn,” đại diện Bộ Xây dựng tin tưởng.
Vẫn còn “trở lực” cần giải quyết
Tuy vậy, phía Bộ Xây dựng cũng lưu ý hiện nay cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời trong giai đoạn đầu của Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.”
Một số “trở lực” chính khiến việc phát triển nhà ở xã hội gặp khó là bởi thiếu quỹ đất, nguồn vốn tín dụng từ ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, thủ tục xây dựng còn chưa đồng bộ và thời gian thực hiện kéo dài.
Trong khi đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đã có thêm các chính sách ưu đãi chủ đầu tư cũng như đơn giản thủ tục và các điều kiện để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, tuy nhiên đến ngày 1/1/2025 thì Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) mới có hiệu lực.
Bộ Xây dựng cũng lưu ý việc nhiều địa phương chưa quyết tâm, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp.
“Ngoài quỹ đất 20% nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập,” đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Ngoài ra, một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng các cấp chính quyền cũng chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai xây dựng; một số dự án nhà ở xã hội đã khởi công nhưng các doanh nghiệp không triển khai thi công hoặc thi công chậm tiến độ…
Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ cho phát triển dự án nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ cũng chưa được giải ngân hiệu quả. Lý do theo Bộ Xây dựng là bởi nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội chưa đảm bảo tiêu chí, điều kiện được vay theo pháp luật về tín dụng; một số địa phương cũng chưa công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay; thời gian vay ngắn hạn (Nghị quyết số 11/NQ-CP chỉ hỗ trợ trong thời gian 2 năm 2022-2023) chưa thu hút được các đầu tư vay vốn.
Trước thực tế trên, đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh thời gian tới sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để góp ý xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đồng thời sửa đổi pháp luật về thuế để đồng bộ với Luật Nhà ở (sửa đổi) về các cơ chế chính sách nhà ở xã hội…
Trước mắt, theo kế hoạch, ngày 22/2/2024, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, trong đó phấn đấu thực hiện mục tiêu Chính phủ giao là nỗ lực trên cả nước hoàn thành khoảng 130.000 căn nhà ở xã hội./.