Huyện Mê Linh dự kiến phát triển không gian vùng theo mô hình “Hai trục – Hai trọng tâm – Hai hành lang xanh”. Trong đó, hai trục động lực là Vành đai 4 và trục Hà Nội – Lào Cai cùng 6 vùng không gian phát triển.
Hà Nội quy hoạch huyện Mê Linh thành 6 vùng không gian phát triển
Ngày 9/9, UBND huyện Mê Linh tổ chức Hội nghị báo cáo quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, kế thừa mô hình quy hoạch chung năm 2011 với chùm đô thị đa cực, đa trung tâm và trong tổng thể Thủ đô, định hướng phát triển 3 huyện: Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh thành thành phố Bắc sông Hồng là “trung tâm mới” nhằm bảo đảm không gian phát triển.
Trên nền tảng quy hoạch này, huyện Mê Linh dự kiến phát triển không gian vùng theo mô hình “Hai trục – Hai trọng tâm – Hai hành lang xanh”. Trong đó, hai trục động lực là Vành đai 4 và trục Hà Nội – Lào Cai.
Hai trọng tâm phát triển là: trọng tâm phía Tây với khu vực tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn, dịch vụ du lịch sinh thái, đô thị mới; trọng tâm phía Đông tập trung phát triển đô thị – công nghiệp, trung tâm hành chính huyện, trung tâm dịch vụ thương mại…
Hai hành lang xanh ven sông Hồng và sông Cà Lồ. Ngoài ra, huyện còn xây dựng các hành lang liên kết dọc tuyến đường trục trung tâm Mê Linh (đường 100m) và dọc tuyến đường Tiền Phong – Tự Lập.
Sơ đồ phân vùng chức năng và tổ chức không gian quy hoạch vùng huyện Mê Linh
Về phân vùng không gian phát triển, lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết, theo định hướng quy hoạch sẽ có 6 vùng gồm:
Vùng 1, cơ bản giữ theo các quy hoạch được duyệt: phát triển đô thị mới, trung tâm hành chính của huyện, trung tâm dịch vụ thương mại, tài chính, văn phòng, công viên, vui chơi giải trí… và bổ sung phát triển TOD.
Vùng 2, phát triển đô thị mới, phát triển dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái, công viên, vui chơi giải trí…và khu vực xã Kim Hoa
Vùng 3, phát triển công nghiệp, Logistic, kho tàng trung chuyển, đầu mối giao thông, phân phối hàng hóa.
Vùng 4, vùng nông nghiệp, nông thôn ngoại thành Hà Nội; khu vực phát triển nông nghiệp đô thị và nguồn đất dự trữ của huyện. Các xã được quy hoạch phù hợp với quy hoạch điểm dân cư nông thôn gắn kết với các khu vực quy hoạch phát triển đô thị lân cận, trước hết là hệ thống giao thông.
Vùng 5, vùng không gian xanh liên kết các khu vực phát triển đô thị, khu vực công nghiệp và làng xóm ven đê.
Vùng 6, vùng cảnh quan sông Hồng với tính chất Không gian xanh mặt nước tạo thành hành lang xanh dọc hai bên sông Hồng, các khu công viên – thể dục thể thao, các điểm dân cư.
Đối với công nghiệp, huyện xây dựng 3 khu công nghiệp với tổng quy mô 1.120ha và bổ sung 2 cụm công nghiệp làng nghề 100ha nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các nhà đầu tư đến hoạt động.
Về ngành thương mại – dịch vụ, huyện Mê Linh tập trung phát triển các trung tâm thương mại dịch vụ hỗn hợp gắn với các trục giao thông chính như Vành đai 4, đường trục Mê Linh – Võ Văn Kiệt; hình thành trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng về hoa, rau và nông sản. Đặc biệt, huyện xây dựng một trung tâm logistic tại khu vực xã Kim Hoa, với quy mô 120-150ha…
Ngoài ra, huyện cũng sẽ phát triển các chức năng du lịch sinh thái theo hành lang sông Hồng và trục đường Vành đai 4. Xây dựng chuỗi cung ứng thương mại – dịch vụ bám theo trục đường chính huyện Mê Linh để tạo thành tuyến kết nối của tỉnh Vĩnh Phúc – huyện Mê Linh – tỉnh Bắc Ninh – huyện Sóc Sơn
Ngoài ra, huyện còn xây dựng các hành lang liên kết dọc tuyến đường trục trung tâm Mê Linh (đường 100m) và dọc tuyến đường Tiền Phong – Tự Lập.
Về giao thông trong vùng đô thị, huyện phát triển theo quy hoạch phân khu đô thị đã được duyệt. Vùng ngoài phát triển đô thị đầu tư các tuyến quốc lộ 2 – cảng Chu Phan và đường Tiền Phong – Tự Lập được xây dựng mới đạt tiêu chuẩn đường cấp II, quy mô 4 làn xe; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường 308, 312 thành đường cấp III đồng bằng, quy mô 4 làn xe; nâng cấp, cải tạo tuyến đường đê sông Hồng đoạn từ Vành đai 4 đến cảng Chu Phan đường cấp III, quy mô 2 làn xe… Các tuyến đường huyện, liên xã, cải tạo từ các tuyến đường hiện có, đạt tiêu chuẩn đường cấp IV-V đồng bằng…
Các tuyến đường huyện, liên xã, cải tạo từ những tuyến đường hiện có, đạt tiêu chuẩn đường cấp IV-V đồng bằng. Đối với những đoạn đi qua khu vực dân cư hiện có, dự kiến xây mới, thiết kế như đường đô thị với bề rộng hè tối thiểu từ 3-5m.
Đối với hệ thống giao thông nông thôn sẽ áp dụng tiêu chí nông thôn mới, nâng cấp cải tạo các tuyến đường trục thôn, trục xã đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp V-VI.