Chủ tịch Trần Đình Long nhấn mạnh Hòa Phát bước chân vào bất động sản không phải theo phong trào. Năm 2023, chiến lược về bất động sản không có gì thay đổi nhưng bước đi thận trọng, vững chắc.
Chiến lược về bất động sản – thận trọng, vững chắc
Bên cạnh “nghề tay phải” là sản xuất kinh doanh thép, mảng bất động sản là ngành kinh tế chủ lực thứ 2 của Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của HPG, ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT chia sẻ rằng, lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp (KCN) của Hòa Phát đã hoạt động 20 năm, vận hành 4 KCN, đang đăng ký đầu tư 4-6 KCN nữa.
Lĩnh vực này không đem lại quá nhiều tiền nhưng ổn định, tỷ suất lợi nhuận không tồi. Lại có kinh nghiệm nên Hòa Phát sẽ vừa triển khai những KCN đang có, vừa mua lại hoặc xin mới để mở rộng 4-6 khu nữa, đến năm 2030 sẽ có 10 KCN.
Báo cáo thường niên cho biết, năm 2023, Hòa Phát sẽ đầu tư thêm hạ tầng kỹ thuật dự án Khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng với diện tích quy hoạch 216ha. Đối với mảng dự án nhà ở – khu đô thị, Tập đoàn sẽ tập trung phát triển các đại đô thị diện tích từ 300-500 ha.
Còn nhớ tại ĐHĐCĐ năm ngoái, Hòa Phát bày tỏ tham vọng muốn trở thành top 3 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam, phát triển những đại đô thị từ 300 – 500 ha trong 10 năm tới.
Năm nay, khi được hỏi lại về tham vọng này, Chủ tịch Trần Đình Long nhấn mạnh Hoà Phát bước chân vào bất động sản không phải theo phong trào. “Vào thời điểm hiện tại, tập đoàn đang tập trung cao độ vào dự án Dung Quất 2 với hơn 75.000 tỷ đồng. Một lần nữa tôi khẳng định chiến lược về bất động sản không có gì thay đổi nhưng bước đi thận trọng, vững chắc”, ông Long nói.
Nhắc lại chiến lược của Hòa Phát, thay vì mua đất để làm dự án, Tập đoàn sẽ tham gia đấu thầu ở các địa phương. Ông Long đánh giá hướng đi này có triển vọng tốt do tham gia đầu tư từ đầu ở các địa phương.
“Cái này rất lâu, cứ bình tĩnh làm chứ không đặt mục tiêu phải có bao nhiêu hecta. Tôi vui mừng thông báo là chúng ta đang làm rất mạnh về pháp lý nên không bỏ nhiều tiền mua dự án, không chạy đua ở giai đoạn trước nên giờ có tiền để làm Dung Quất 2. Tương lai có thể bỏ tiền mua dự án khác nhưng thời điểm này thì chưa”, ông Long nói.
Đúng định hướng này, thời gian qua, Hòa Phát có đề xuất đầu tư, tài trợ quy hoạch các dự án diện tích hàng trăm hecta ở nhiều tỉnh, thành như Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Hải Dương, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Đắk Nông…
Mới đây nhất, Hòa Phát đã có những bước tái khởi động lại các dự án bất động sản nhà ở với việc trúng thầu hai dự án đô thị tại Hưng Yên và Phú Thọ với tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ, chỉ duy nhất Liên danh Công ty CP Tổng công ty Đầu tư Hợp Nghĩa – Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát đăng ký và đạt yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án Khu dân cư nông thôn sinh thái Cao Xá, huyện Lâm Thao.
Được biết, Dự án khu dân cư nông thôn sinh thái Cao Xá được UBND tỉnh Phú Thọ chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 8/2022, với quy mô diện tích lên đến 120ha. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án khoảng 5.622 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện khoảng 5.284 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 338 tỷ đồng.
Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên cũng công bố nhà đầu tư duy nhất đạt yêu cầu sơ bộ về đánh giá năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở cho người thu nhập thấp Khu công nghiệp Yên Mỹ II trên địa bàn xã Trung Hòa và thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) là CTCP Phát triển Đô thị Hòa Phát Yên Mỹ. Đây cũng là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án.
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 4.830 tỷ đồng. Dự án có quy mô sử dụng đất của dự án khoảng 309.978m2; quy mô dân số khoảng 11.500 người. Sản phẩm dịch vụ cung cấp gồm Nhà ở thương mại liền kề 250 căn; căn hộ, nhà ở xã hội 9.000 căn và các công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu của khu dân cư.
Sức mạnh “tiền tươi”
Ông Long từng nói công ty có tiền nên không chịu áp lực về tài chính. Có thể thấy, đây chính là một lợi thế lớn của Hòa Phát khi lấn sân sang lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra còn phải kể tới các sản phẩm có sẵn là tôn, thép.
Sức mạnh “tiền tươi” thể hiện ngay trên báo cáo tài chính của Hòa Phát. Tại thời điểm 31/12/2022, HPG có tổng tài sản 170.335 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn và dài hạn khoảng 58.000 tỷ đồng. Hòa Phát đang có gần 35.000 tỷ đồng tiền mặt (bao gồm hơn 26.000 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn không quá 12 tháng).
Trong giai đoạn thị trường bất động sản khó khăn về thanh khoản hiện nay, lợi thế “tiền tươi” sẽ giúp doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long M&A, hợp tác đầu tư.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022, mảng bất động sản mang về cho Hòa Phát 686 tỷ đồng doanh thu và gần 298 tỷ lợi nhuận sau thuế, đóng góp 1% vào doanh thu bán hàng của Hòa Phát và đóng góp 3% vào lợi nhuận.
Mặc dù cả doanh thu và lợi nhuận thụt lùi so với năm 2021 nhưng biên lợi nhuận sau thuế mảng bất động sản Hòa Phát đã tăng từ 31% trong năm 2021 lên 46,6% trong năm 2022.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, mỗi năm bất động sản đều mang về cho Hòa Phát ít nhất 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Hiện lĩnh vực bất động sản của Hòa Phát bao gồm xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và các dự án nhà ở, khu đô thị.
Linh Phong
Nhịp sống thị trường