Kỳ vọng sẽ có làn sóng đầu tư từ kiều bào vào thị trường bất động sản Việt Nam

Dư luận trong và ngoài nước kỳ vọng sẽ có làn sóng đầu tư từ kiều bào vào thị trường bất động sản trong nước, góp phần phát triển thị trường minh bạch và ổn định hơn.

Khu phức hợp căn hộ cao cấp bên sông Sài Gòn, ngay trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tháng 1/2024, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước – đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Với quy định cho phép người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam ngay sau khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, dư luận trong và ngoài nước kỳ vọng sẽ có làn sóng đầu tư từ kiều bào vào thị trường bất động sản trong nước, góp phần phát triển thị trường minh bạch và ổn định hơn.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Anh, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Ban chấp hành lâm thời Hội người Việt Nam tại Anh (VAUK), nhận định rằng việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là một bước tiến pháp lý quan trọng, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống và kinh doanh của kiều bào, đặc biệt là đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Vương quốc Anh.

Ông cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, chủ sở hữu là Việt kiều, giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn, ổn định hơn.

Ông Đức cho biết bản thân ông đã sống và làm việc tại Anh suốt 30 năm qua và có một doanh nghiệp làm về kế toán nên đã chứng kiến nhiều Việt kiều phải nhờ người thân, bạn bè đứng tên khi mua nhà cửa, đất đai ở Việt Nam.

Khi xảy ra tranh chấp, yếu tố pháp lý không rõ ràng gây nên rất nhiều phiền toái và chi phí tốn kém, thậm chí nhiều trường hợp Việt kiều mất hết tiền đầu tư và tài sản ở Việt Nam, mất đi tình cảm gia đình, quan hệ bạn bè.

Bên cạnh đó, ông Đức cũng chỉ ra tiềm năng đầu tư rất lớn của thị trường bất động sản Việt Nam đối với kiều bào.

Ông Nguyễn Minh Đức – Phó Chủ tịch Ban chấp hành lâm thời Hội người Việt Nam tại Anh (VAUK). (Ảnh: TTXVN phát)

Trên thực tế, nhu cầu mua nhà đất ở Việt Nam của Việt kiều là rất lớn, đặc biệt là với thế hệ đầu tiên hoặc thứ hai khi đã có sự ổn định kinh tế và cuộc sống ở nước ngoài.

Đa phần họ đều mong muốn trở về quê hương sau khi về hưu, dù chỉ sống ở Việt Nam bán thời gian.

Theo ông, Việt Nam là nước đang phát triển, thị trường mới nổi nên hấp dẫn để đầu tư, đặc biệt là đất đai.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã chứng kiến nhiều câu chuyện thành công trong việc đầu tư ở các dự án kinh doanh bất động sản ở Quảng Ninh, Đà Nẵng hay Phú Quốc.

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác cộng đồng và giữ cương vị Phó Chủ tịch VAUK, một tổ chức đại diện cho đông đảo cộng đồng người Việt Nam tại Anh, ông Đức nhận định rằng việc sửa đổi Luật Đất đai lần này không những là chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Việt kiều đầu tư, sinh sống ở Việt Nam mà còn thể hiện sự nhất quán của Đảng, nhà nước Việt Nam “coi người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam.”

Cũng theo ông Đức, mối quan tâm hàng đầu của kiều bào khi đầu tư vào Việt Nam là tài sản và quyền lợi của họ được bảo vệ bởi luật pháp Việt Nam và quốc tế. Chính vì vậy, bà con mong muốn chính phủ cung cấp văn bản hướng dẫn cụ thể và một kênh tư vấn pháp lý chính thức để hỗ trợ vấn đề này.

Ông Đức tin rằng kiều bào trên toàn thế giới sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi sử dụng các kênh chính thống thay vì dựa vào các dịch vụ tư nhân bên ngoài.

Ông Đức dẫn ví dụ Chính phủ Anh đã thiết lập trang web www.gov.uk với phần hướng dẫn đăng ký quyền sở hữu bất động sản rất cụ thể trong phần “Land Registration: Practice Guides.”

Hệ thống pháp luật ở Anh rất chặt chẽ, tương tự như ở Việt Nam, tất cả các luật sư phải có giấy phép hành nghề.

Tuy nhiên, nếu một luật sư tại Anh làm sai hoặc tắc trách trong nghiệp vụ thì trách nhiệm cuối cùng thuộc về Hiệp hội luật sư (Law Society). Vì vậy, hiệp hội này có quy định rất nghiêm ngặt để giám sát và đảm bảo chất lượng của các luật sư thành viên của mình.

Với Việt kiều, làm việc với một tổ chức, hiệp hội nào đó trong cộng đồng tại nước họ cư trú, ví dụ Hội doanh nghiệp, Hội người Việt…, sẽ rất thuận tiện vì yếu tố ngôn ngữ, văn hóa và luật pháp.

Nếu được trang bị tốt kiến thức về Luật Đất đai sửa đổi thì các tổ chức này có thể hỗ trợ rất tốt trong việc cung cấp thông tin chính xác và đáng tin cậy cho kiều bào/.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top