Ngày 11/7, các nhà đầu tư Nhật Bản đã mua số lượng trái phiếu nước ngoài trị giá 14.600 tỷ yen (103 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay, một kỷ lục trong thời gian sáu tháng.
Bảng giao dịch điện tử bên ngoài sàn giao dịch chứng khoán Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo Nikkei Asia ngày 11/7, các nhà đầu tư Nhật Bản đã mua số lượng trái phiếu nước ngoài trị giá 14.600 tỷ yen (103 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay, một kỷ lục trong thời gian sáu tháng do thị trường trái phiếu toàn cầu đang thay đổi. Bộ Tài chính Nhật Bản đã công bố số liệu này vào ngày 10/7.
Số tiền mua trái phiếu nước ngoài của các nhà đầu tư Nhật Bản đạt mức cao nhất trước đó là 13.470 tỷ yen trong nửa cuối năm 2010. Lần đầu tiên trong hai năm, các nhà đầu tư nước này đã mua các trái phiếu trung hạn và dài hạn ở nước ngoài ở mức kỷ lục trong vòng 6 tháng. Việc mua hàng loạt trái phiếu góp phần làm đồng yen mất giá.
Trái phiếu Mỹ đã thu hút phần lớn làn sóng đầu tư này, với số tiền kỷ lục mua các trái phiếu trung và dài hạn của Mỹ lên tới hơn 11.000 tỷ yen từ tháng 1 đến tháng 5. Takafumi Yamawaki, người đứng đầu của Công ty nghiên cứu lãi suất Nhật Bản tại J.P. Morgan Securities, cho biết: “Với việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) dự kiến sẽ điều chỉnh việc kiểm soát đường cong lợi suất, có một xu hướng ngày càng tăng khi các nhà đầu tư tránh mua trái phiếu bằng đồng yen mà tập trung vào việc hỗ trợ trái phiếu Mỹ có lãi suất cao như một nguồn thu nhập”.
Các ngân hàng Nhật Bản là những nhà đầu tư chính trong làn sóng mua trái phiếu nước ngoài này, với số tiền lên tới 10.027 tỷ yen trong nửa đầu năm – xấp xỉ với mức kỷ lục được thiết lập trong cả năm 2010 là 10.029 tỷ yen.
Nguồn tin từ một ngân hàng đa quốc gia của Nhật Bản nhận định: “Khi Mỹ tạm dừng tăng lãi suất, lợi suất trái phiếu Mỹ không tăng nhiều so với năm ngoái, vì vậy tạo ra cảm giác ổn định”.
Trong khi đó, các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản là một ngoại lệ, đã bán ròng khoản nợ nước ngoài trị giá 1.500 tỷ yen trong nửa đầu năm 2023.
Năm ngoái, các nhà đầu tư Nhật Bản đã bán hết trái phiếu Mỹ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất với tốc độ chóng mặt. Lãi suất chính sách cao hơn làm lợi suất trái phiếu cao hơn, gây ra lỗ chưa thực nhận đối với danh mục đầu tư trái phiếu.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn vào năm ngoái đã tăng từ 1,5% lên mức cao nhất là 3,8%. Lợi suất tại các thị trường lớn khác, chẳng hạn như ở châu Âu, cũng có mức tăng tương tự.
Để giảm thiểu thiệt hại, các nhà đầu tư Nhật Bản đã bán ròng trái phiếu nước ngoài kỷ lục 21.000 tỷ yen trong suốt năm 2022. Việc mua vào năm nay có thể được giải thích một phần là do các nhà đầu tư lại thấy tiềm năng của trái phiếu Mỹ.
Cơn sốt mua trái phiếu nước ngoài này đang gây áp lực giảm giá với đồng yen. Các nhà đầu tư Nhật Bản thường cần đổi đồng yen lấy đồng USD để mua trái phiếu ở nước ngoài.
Daisaku Ueno, Giám đốc chiến lược ngoại hối tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, nhận định: “Dường như ngày càng có nhiều khoản đầu tư không sử dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro ngoại hối trong bối cảnh chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và nước ngoài ngày càng lớn, vì vậy có khả năng cao là việc mua trái phiếu sẽ dẫn đến một mức độ áp lực nhất định đối với sự mất giá của đồng yen với đồng USD”.
Nhiều nhà phân tích nhận thấy ngày càng có ít cơ hội để các nhà đầu tư Nhật Bản tăng cường danh mục trái phiếu nước ngoài của họ trong nửa cuối năm 2023, một phần vì họ đã mua lại hơn 2/3 trong số 21.000 tỷ yen trái phiếu nước ngoài đã bán ra vào năm ngoái. Nguồn tin từ một công ty môi giới quốc tế cho biết: “Việc mua lại đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn dự đoán”.
Trong chính sách kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu, BoJ cam kết giới hạn lợi suất JGB kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0% để duy trì lãi suất tín dụng ở mức thấp và kích thích nền kinh tế. Các nhà đầu tư dự đoán BoJ sẽ điều chỉnh kiểm soát đường cong lợi suất trong tháng 7 này, một công cụ mà ngân hàng trung ương đang sử dụng để giữ lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm trong phạm vi 50 điểm cơ bản so với mức chuẩn 0%. Lợi tức của trái phiếu JGB kỳ hạn 10 năm mới phát hành, đạt 0,465% trong ngày 10/7, mức cao nhất kể từ ngày 28/4.
Nếu BoJ điều chỉnh kiểm soát đường cong lợi suất của mình, lợi suất của JGB có thể tăng lên một mức mới, có khả năng chuyển tiền từ nợ nước ngoài sang trái phiếu chính phủ Nhật Bản.
Tuy nhiên, Daisuke Karakama, nhà kinh tế trưởng thị trường tại Ngân hàng Mizuho, cho rằng “tình trạng chênh lệch lợi suất giữa Nhật Bản và Mỹ vẫn còn tồn tại và ngay cả khi kiểm soát đường cong lợi suất được điều chỉnh, vẫn sẽ có xu hướng bán đồng yen có lợi suất thấp để mua nợ nước ngoài”./.