Đà giảm mạnh vào phiên cuối tuần này đã “xóa sổ” mọi nỗ lực phục hồi trước đó của Phố Wall, khiến ba chỉ số chủ chốt dứt chuỗi 5 tuần đi lên liên tiếp.
Thị trường chứng khoán Mỹ trồi sụt thất thường trong tuần qua, chi phối chủ yếu bởi các thông tin mới nhất liên quan tới lạm phát của Mỹ.
Đà giảm mạnh vào phiên cuối tuần này đã “xóa sổ” mọi nỗ lực phục hồi trước đó của Phố Wall, khiến ba chỉ số chủ chốt dứt chuỗi 5 tuần đi lên liên tiếp.
Giữa bối cảnh thị trường chờ đợi số liệu lạm phát chính thức của Mỹ trong tháng 1/2024, chỉ số Dow Jones lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 12/2, bất chấp đà giảm của S&P 500 và Nasdaq.
Phố Wall chìm trong “sắc đỏ” ngay trong phiên giao dịch sau đó, khi Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo lạm phát quan trọng của nước này, đã tăng 3,1% so với một năm trước trong tháng 1/2024, giảm so với mức 3,4% trong tháng 12/2023.
Nhu cầu mua vào cổ phiếu giá hời đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi trong hai phiên giao dịch 14-15/2, bất chấp các số liệu kinh tế đáng lo ngại từ những nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Bộ Thương mại Mỹ báo cáo doanh số bán lẻ tháng 1/2024 giảm lớn hơn dự kiến ở mức 0,8%. Mức sụt giảm sau kỳ nghỉ lễ này cho thấy người tiêu dùng Mỹ có thể bị tổn thương. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu hạ dự báo tăng trưởng và lạm phát của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Phiên giao dịch cuối tuần ngày 16/2, Phố Wall đảo chiều đi xuống, sau khi một báo cáo về lạm phát khác làm tăng lo ngại rằng việc hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể diễn ra muộn hơn so với dự báo trong năm nay.
Kết thúc phiên này, chỉ số S&P 500 giảm 0,48%, xuống 5.005,57 điểm, chỉ số Dow Jones mất 145,13 điểm (tương đương 0,37%) còn 38.627,99 điểm. Trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,82% xuống 15.775,65 điểm.
Cả 3 chỉ số chính đều chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp để khép lại tuần này với mức giảm. Tính chung cả tuần qua, S&P 500 mất 0,42%, Dow Jones lùi 0,11% và Nasdaq Composite giảm 1,34%.
Chỉ số giá sản xuất (PPI), một thước đo lạm phát bán buôn của Mỹ đã tăng 0,3% trong tháng 1/2024, cao hơn so với dự báo tăng 0,1% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, PPI cốt lõi tăng 0,5%, vẫn cao hơn so với dự báo tăng 0,1%.
Số liệu được công bố trước đó cho thấy Chỉ số CPI của Mỹ tăng nhiều hơn dự đoán trong tháng Một, khiến các thị trường tài chính giảm dự đoán rằng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng Sáu.
CPI lõi, không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, trong cùng thời gian này đã tăng 3,9%, tương đương mức tăng của tháng 12/2023, bất chấp kỳ vọng chỉ số này giảm hơn nữa. Điều này cho thấy con đường giảm lạm phát vẫn còn nhiều chông gai.
Fed đã nhanh chóng tăng lãi suất cơ bản năm 2022 để kiềm chế lạm phát gia tăng. Fed hiện giữ lãi suất ở mức cao nhất trong hơn 20 năm, nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Chỉ số CPI đã giảm từ mức đỉnh 9,1% trong tháng 6/2022 và đang tiến tới mức 2% là tin tốt cho các nhà hoạch định chính sách, cũng như khả năng phục hồi rõ ràng của nền kinh tế khi lạm phát hạ nhiệt.
Nền kinh tế Mỹ vẫn tiến lên phía trước trong quý IV/2023, đánh dấu quý thứ sáu tăng trưởng liên tiếp.
Diễn biến này trái ngược với nhiều dự đoán được đưa ra hồi năm ngoái rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ khó tránh khỏi suy thoái vì tác động của lãi suất cao.
Nền kinh tế Mỹ có thể duy trì được thể trạng tốt như thế một phần lớn là nhờ chi tiêu hộ gia đình, yếu tố chiếm phần lớn nền kinh tế nước này, vẫn mạnh mẽ bất chấp nhiều thách thức.
Chính sách kích thích của chính phủ đã giúp các hộ gia đình vượt qua giai đoạn đầu của đại dịch và sự leo thang của lạm phát. Và giờ đây, sự gia tăng tiền lương đang giúp họ ứng phó với tình trạng giá hàng hoá và dịch vụ cao.
Báo cáo được công bố ngày 15/2 cho thấy có ít người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu hơn trong tuần trước.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy thị trường việc làm của Mỹ vẫn rất khoẻ mạnh, bất chấp làn sóng sa thải gây chú ý trong thời gian gần đây. Sự vững mạnh của thị trường lao động đang góp phần hỗ trợ nền kinh tế.
Tất nhiên, vẫn còn nhiều nguy cơ, và giới chuyên gia cho rằng vẫn chưa thể loại bỏ nguy cơ suy thoái. Lạm phát có thể tăng trở lại. Những lo ngại về khối nợ lớn của Chính phủ Mỹ có thể chi phối các thị trường tài chính, từ đó dẫn đến các khoản vay để mua ô tô và các tài sản khác trở nên đắt đỏ hơn. Ngoài ra, tình trạng thua lỗ gia tăng liên quan đến lĩnh vực bất động sản thương mại có thể là một vấn đề lớn đối với hệ thống tài chính.
Chuyên gia kinh tế Rubeela Farooqi tại công ty nghiên cứu kinh tế High Frequency Economics cho biết, dữ liệu mới nhất cho thấy sự tăng tốc trở lại, đặc biệt là trong các số liệu hàng năm trong ba và sáu tháng. Điều này ủng hộ quan điểm của Fed rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ không xảy ra ngay lập tức. Nói cách khác, lạm phát đang trên đà giảm, nhưng có lẽ chưa đủ nhanh để khuyến khích các quan chức Fed sớm bắt đầu nới lỏng lãi suất.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) Mỹ cho biết thâm hụt ngân sách nước này dự kiến sẽ tăng hơn 60% trong 10 năm tới, chủ yếu do chi phí lãi vay và chi tiêu chăm sóc sức khoẻ tăng.
Các quan chức có thể sẽ kiên nhẫn khi tiếp cận các quyết định chính sách trong tương lai. Mặc dù hiện tại có khả năng “bi quan về lạm phát,” song nhà kinh tế trưởng của công ty kiểm toán EY Gregory Daco cho biết một số yếu tố “vẫn sẽ tạo thành sự kết hợp hoàn hảo cho việc tỷ lệ lạm phát giảm dần cho đến năm 2024. Những yếu tố này bao gồm sự sụt giảm về mức tăng nhu cầu tiêu dùng, giảm lạm phát tiền thuê nhà và tăng trưởng tiền lương ở mức vừa phải.
Trong khi đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) Mỹ cho biết thâm hụt ngân sách nước này dự kiến sẽ tăng hơn 60% trong 10 năm tới, chủ yếu do chi phí lãi vay và chi tiêu chăm sóc sức khoẻ tăng.
Giám đốc CBO Phillip Swagel nhận định thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tăng từ 1.600 tỷ USD vào năm 2024 lên 2.600 tỷ USD vào năm 2034. Nếu so sánh với sản lượng kinh tế, mức thâm hụt dự kiến sẽ cao hơn đáng kể so với mức trung bình được ghi nhận trong những thập kỷ gần đây. Tương tự, nợ công của Mỹ dự kiến sẽ tăng từ 99% lên mức cao kỷ lục 116% GDP.
Theo ông Swagel, chi phí lãi vay được dự báo sẽ chiếm khoảng 75% mức thâm hụt gia tăng trong giai đoạn 2024-2034. Ngoài ra, dân số già đi và chi phí chăm sóc sức khỏe liên bang tăng lên cũng sẽ làm tăng thêm thâm hụt, do những xu hướng này thúc đẩy nhu cầu chi tiêu.
Trước đó, báo cáo do Bộ Tài chính Mỹ công bố hồi tháng Một cho thấy thâm hụt ngân sách trong quý 1 tài khóa 2024 (từ tháng 10 đến tháng 12/2023) tăng 21% so với cùng kỳ tài khóa trước, lên mức 510 tỷ USD.
Nguyên nhân chính khiến thâm hụt ngân sách Mỹ tăng là do chi tiêu lớn hơn, trong đó có cả khoản lãi trả cho nợ công. Lãi cho nợ công trong quý I này đã tăng 78 tỷ USD, lên mức 310 tỷ USD. Đây cũng là mức lãi nợ công cao nhất trong một quý kể từ năm 2011. Tổng nợ công của Mỹ hiện đã vượt mức 34.000 tỷ USD.
Thâm hụt ngân sách tăng và nợ công khổng lồ là những vấn đề đáng lo ngại đối với nền kinh tế Mỹ. Thâm hụt ngân sách lớn có thể dẫn đến lãi suất cao hơn, giảm đầu tư và tăng áp lực lên các chương trình xã hội. Nợ công lớn cũng có thể khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt trên 4,3% sau số liệu PPI của Mỹ. Có thời điểm, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm vượt mức 4,7%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2023./.