Theo thông tin từ Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt hơn 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD.
Vải thiều được nhiều thị trường trên thế giới ưa chuộng.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,6%; nhập khẩu giảm 17,9%.
Thông tin về tình hình xuất khẩu 5 tháng đầu năm, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, trong bức tranh xuất khẩu hàng hóa, nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 đã tăng trưởng cao hơn tháng 4; Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu có mức tăng trưởng rất tốt như như gạo, rau quả, hạt điều; Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu, đạt gần 10 tỷ USD, đây chính là một điểm sáng trong bức tranh xuất nhâp khẩu những tháng đầu năm.
Dự báo, những tháng cuối năm 2023, cơ hội cho xuất khẩu hàng hoá tiêu dùng hồi phục. Theo ông Hải, với sự chủ động, sẵn sàng của doanh nghiệp, các đơn hàng xuất khẩu sẽ sớm được đáp ứng. “Chúng ta thấy tình hình sụt giảm hiện nay thì chủ yếu là do vấn đề từ góc độ thị trường, còn đối với trong nước thì năng lực sản xuất của doanh nghiệp chúng ta hiện nay vẫn rất là tốt, không bị những yếu tố ảnh hưởng như dịch bệnh hay các yếu tố về đứt gãy nguồn cung nguyên liệu… Đấy là thuận lợi để giúp cho doanh nghiệp có thể sẵn sàng phục hồi sản xuất và xuất khẩu khi thị trường được cải thiện…” – ông Hải nói đồng thời nhấn mạnh, các dự báo cho thấy hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi dần trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn phía trước đối với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực đòi hỏi các doanh nghiệp, ngành hàng phải đặc biệt quan tâm để có thể tiếp cận thị trường trong thời gian tới.
Đang là thời điểm một số mặt hàng rau quả, trái cây chuẩn bị vào mùa vụ, như quả vải thiều bắt đầu vào vụ từ tháng 6 này – nhưng có thời gian thu hoạch ngắn ngày. Vài năm trở lại đây, việc xúc tiến đưa trái vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang xuất khẩu sang một số thị trường như Nhật Bản, châu Âu và Mỹ cho giá trị cao. Đây chính là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu ngành hàng rau quả, trái cây trong thời gian tới.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhấn mạnh, thị trường xuất khẩu ngày càng đưa ra nhiều đòi hỏi, yêu cầu khắt khe, nhất là về vấn đề an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường, tiêu chuẩn phát thải… Do đó, kể cả khi đã thâm nhập được vào được thị trường quốc tế, các doanh nghiệp vẫn phải hết sức lưu ý về việc duy trì tốt về chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu chất lượng của nước sở tại.
Theo ông Cao Xuân Thắng – Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Singapore, các bộ, ngành chức năng ở các địa phương, các Hiệp hội và doanh nghiệp quản lý thật chặt chẽ quy trình sản xuất, từ trồng trọt, chăm bón, thu hoạch để các sản phẩm nông sản thực phẩm phải đảm bảo được các yêu cầu về chất lượng xuất khẩu.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm. Tuy nhiên, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ phục hồi tốt hơn vào nửa cuối năm nay do tồn kho hàng hoá tại các thị trường lớn, đặc biệt là tại Mỹ đã giảm đáng kể trong thời gian qua và các nhà nhập khẩu đang có dấu hiệu đặt hàng trở lại.
Tại Mỹ – thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, các nhà bán lẻ lớn của nước này đã giải phóng gần hết lượng hàng tồn kho dư thừa và đang chuẩn bị bổ sung các kệ hàng bằng hàng hóa mới. Điểu này mở ra kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ cải thiện vào nửa cuối năm nay sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp.
Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do với những ưu đãi về thuế quan tiếp tục giúp cho hàng hoá của Việt Nam cạnh tranh hơn, dự báo sẽ mang đến những lợi thế nhất định cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.