“Xuất khẩu (XK) rau quả là ngành hiếm hoi trong thời điểm hiện nay có mức tăng trưởng tốt. Trong 4 tháng đầu năm, ngành rau quả có mức tăng trưởng 20%”, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết.
Tăng trưởng ấn tượng nhất là XK sầu riêng, chiếm tỉ trọng 20,7% trong 4 tháng đầu năm, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc là thị trường XK chính, chiếm đến 84,3% tổng trị giá XK sầu riêng. Với đà tăng trưởng này, sầu riêng được kỳ vọng là mặt hàng chủ lực XK trên 1 tỷ USD trong năm nay và hiện sầu riêng Việt Nam đang cạnh tranh rất lớn với sầu riêng Thái Lan ngay tại thị trường Trung Quốc.
Ảnh minh họa.
Chính vì vậy, khi Trung Quốc chính thức cho sầu riêng Việt Nam XK chính ngạch thì người quan tâm nhất không phải là người tiêu dùng Trung Quốc mà chính là các doanh nghiệp (DN) Thái Lan. “Tôi nhớ hôm XK lô sầu riêng đầu tiên ở Đắk Lắk thì báo chí truyền thông của Thái Lan đông hơn Việt Nam”, ông Nguyễn Đình Tùng dẫn chứng.
Sự lo lắng này của DN Thái Lan là có cơ sở, bởi từ trước giờ Thái Lan luôn chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc. Hàng năm, Trung Quốc NK sầu riêng hơn 4 tỷ USD thì Thái Lan đã chiếm đến 2/3, thậm chí 3/4 thị trường. Chính vì thế, khi có thông tin Việt Nam XK chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc đã khiến các DN Thái Lan lo lắng. Chỉ sau 2 tháng có giấy phép thông hành, Việt Nam đã xuất 396 triệu USD sầu riêng vào thị trường Trung Quốc.
Để cạnh tranh, DN Thái Lan ngay lập tức đã chuyển hướng không sản xuất theo số lượng nữa mà tập trung vào chất lượng sản phẩm, làm truyền thông rất mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc. Chiến thuật này đã làm cho NTD Trung Quốc tin tưởng chất lượng của sầu riêng Thái Lan nên ngay sau đó giá sầu riêng Thái Lan cao hơn giá sầu riêng Nam Việt.
Từ Việt Nam, Trung Quốc chỉ mới chấp thuận NK sầu riêng tươi, yêu cầu cao về mẫu mã, hình thức nên sản lượng không được nhiều. Trong khi đó, Thái Lan được XK sang Trung Quốc cả sầu riêng tươi và cơm sầu riêng cấp đông nên giá trị XK lớn. Malaysia nổi tiếng với sầu riêng Musangking cũng XK cơm sầu riêng cấp đông sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã trồng được sầu riêng nên nhiều DN lo lắng, cạnh tranh trực tiếp tại thị trường tỷ dân này là không hề dễ.
Ông Huỳnh Kim Tước, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế số và Công nghệ – Hiệp Hội Amcham nhìn nhận: “Nếu chúng ta lo ngại cạnh tranh sầu riêng Trung Quốc thì hãy để họ làm, DN Việt sẽ là doanh nhân phân phối. Giống như trước đây, Việt Nam bán sầu riêng cho Thái Lan, sau đó Thái Lan bán qua Trung Quốc hay ra khắp thế giới. Tuy nhiên, trong kinh doanh thì lợi nhuận chủ yếu ở khâu phân phối chứ không phải ở trồng trọt, sản xuất”.
Có thể thấy, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định đến sự sống còn của DN XK. Đã có thời gian, trái dừa Việt Nam XK sang thị trường Mỹ bị thất bại do DN chọn loại dừa lai (nước nhạt, giá rẻ) để cạnh tranh bằng giá, hoàn toàn trái ngược với cách làm của một số quốc gia như Mỹ hay New Zealand. Để xây dựng thương hiệu cho trái táo, trái cherry, Chính phủ, bộ, ngành, DN, người dân của họ cùng bắt tay làm. Họ chọn loại ngon nhất dành cho XK, loại thấp hơn dành cho chế biến.
Nhiều DN khẳng định, rau quả Việt Nam đã XK được vào được nhiều thị trường, kể cả thị trường khó tính. Nhưng, để đầu ra của sản phẩm XK đảm bảo chất lượng thì phải nhờ đến sự phối hợp của các bộ, ngành. Nếu không, ngành rau quả sẽ dần đánh mất thị trường. Với vai trò là Chủ tịch Tập đoàn Vina T&T Group, đã XK thành công nhiều mặt hàng trái cây như: dừa Bến Tre, vú sữa, xoài, bưởi, thanh long, sang các thị trường khó tính là Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan…, ông Nguyễn Đình Tùng khuyên DN: Khi DN XK rau quả vào thị trường nào thì bắt buộc phải có văn phòng tại đó. Rau quả tươi rất dễ bị hư hỏng, người tại đó phải xử lý kịp thời để tránh tình trạng “lây” cả lô hàng bị hư, giảm thiểu thiệt hại cho DNXK.
Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và DN nông nghiệp khẳng định, để XK bền vững thì cần thiết phải có sự liên kết sản xuất giữa nông dân sản xuất, HTX và DN. Sự liên kết này sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu lớn để cung cấp cho các nhà máy chế biến hiện nay đang rất thiếu nguyên liệu. Đặc biệt, nông dân sẽ được hướng dẫn kỹ thuật để trồng được sản phẩm chất lượng, đồng đều, theo tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu.