Là vùng trồng na lớn nhất tỉnh Lạng Sơn, huyện Chi Lăng đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây na nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đảm bảo các quy định về an toàn, hướng tới xuất khẩu.
Thu hoạch na tại tổ sản xuất na VietGAP Lũng Than, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi lăng. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng Lương Thành Chung cho biết, toàn huyện có 2.300 ha trồng na; trong đó, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 2.000 ha.
Diện tích na trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) có 35 ha; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) là 800 ha.
Huyện có 3 sản phẩm na của thị trấn Đồng Mỏ, các xã Chi Lăng và Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao (chương trình mỗi xã một sản phẩm), na của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Sản lượng na bình quân 10 tấn/ha. Hiện nay giá bán trên thị trường tùy thuộc vào từng loại quả to hay nhỏ. Đối với loại từ 3-4 quả/kg được bán với giá từ 60.000-65.000 đồng/kg; loại 2 quả/kg có giá từ 80.000-100.000 đồng/kg; loại từ 6-7 quả/kg có giá từ 30.000-35.000 đồng/kg. Tổng nguồn thu từ bán quả na mỗi năm đạt khoảng 600-700 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng Phùng Văn Nghĩa thông tin, na Chi Lăng nổi tiếng, được biết đến với những đặc trưng đó là quả to đều, khi chín có mùi thơm, vị ngọt, thịt quả nhiều…
Trước khi có dịch COVID-19 (trước năm 2020), na Chi Lăng đã được tiêu thụ theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, với sản lượng chiếm khoảng 50%. Từ khi có dịch, phía Trung Quốc xây dựng các chốt đường biên, hoạt động giao thương này phải tạm dừng cho đến nay. Hiện sản phẩm na của huyện chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Để nâng cao giá trị sản phẩm này, huyện Chi Lăng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng của Trung ương tổ chức đàm phán, làm việc với các nước, nhất là Trung Quốc – một trong những thị trường tiềm năng, gần với tỉnh Lạng Sơn để có thể xuất khẩu na theo đường chính ngạch sang nước bạn trong thời gian tới.
Thu hoạch na tại tổ sản xuất na VietGAP Lũng Than, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi lăng. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN
Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất trên một ha canh tác và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, huyện Chi Lăng xác định, tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã cho sản phẩm na.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức tập huấn trồng na theo mô hình nông nghiệp tốt (GlobalGAP, VietGAP) cho các hộ trồng. Đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho người trồng na từ khâu cắt tỉa, chăm sóc, thực hiện các biện pháp sinh học trong diệt trừ sâu hại đến thụ phấn, thu hái…
Cùng với đó, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn thực hiện đúng quy định về bao bì, nhãn mác, cấp mã số vùng trồng, gắn tem truy xuất nguồn gốc tới từng hộ, hợp tác xã trồng na.
Huyện chủ trương trồng na theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học kĩ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản; gắn trồng na với hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm.
Ngoài ra, huyện cũng tổ chức chương trình quảng bá, tiêu thụ na và các sản phẩm OCOP huyện Chi Lăng trên địa bàn huyện và tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước. Tại những sự kiện này, huyện mời các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn trên nền tảng mạng xã hội tổ chức livestream trực tuyến bán na, đấu giá na để gây quỹ xây dựng công trình an sinh xã hội tại địa phương.
Tỉnh Lạng Sơn có khoảng 4.900 ha trồng na, chủ yếu na được trồng tại các huyện Chi Lăng và Hữu Lũng. Na bắt đầu cho thu hoạch từ cuối tháng 7 đến tháng 11 hằng năm. Nếu giá cả ổn định, ước tính doanh thu từ na trên địa bàn tỉnh có thể đạt trên một nghìn tỷ đồng.