Việt Nam và Bangladesh cần tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các thành phố cảng, cảng vụ lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước dễ dàng đưa hàng hóa vào thị trường của nhau.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Á, triển khai chương trình công tác đối ngoại địa phương và ngoại giao kinh tế tại Bangladesh năm 2023, từ ngày 24-27/11, đoàn công tác Đại sứ quán và nhóm doanh nghiệp Việt Nam do Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Nguyễn Mạnh Cường dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại thành phố Chittagong.
Chittagong là thành phố cảng lâu đời, đầu tàu kinh tế quan trọng tại Bangladesh.
Hằng năm, Chittagong tạo ra hơn 40% sản lượng công nghiệp, 80% thương mại quốc tế và đóng hơn 50% nguồn thu quốc gia.
Chỉ riêng Cảng Chittagong hiện đóng góp khoảng 92% tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Bangladesh.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc với Thị trưởng Chittagong Rezaul Karim Chowdhury, hai bên đã chia sẻ những nét tương đồng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc gắn với sự hy sinh vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh tụ Bangabandhu Sheikh Mujibur Rahman, đồng thời khẳng định quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước hiện còn có rất nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển.
Trong thời gian tới, hai bên có thể phối hợp tổ chức các hoạt động trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, qua đó góp phần tăng cường hiểu biết, giúp nhân dân hai nước xích lại gần nhau hơn.
Thị trưởng Rezaul Karim Chowdhury cho biết Chittagong là một thành phố ven biển, hiện đang đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn, thiên tai lũ lụt, ô nhiễm môi trường biển… do tác động của hoạt động khai thác và biến đổi khí hậu.
Chính quyền thành phố Chittagong mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề này.
Về phần mình, Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường cảm ơn Thị trưởng Rezaul Karim Chowdhury trước sự đón tiếp trọng thị dành cho đoàn.
Chứng kiến nhịp sống năng động của thành phố, Đại sứ tin tưởng Chittagong sẽ sớm trở thành một trung tâm kinh tế-đầu tư lớn của khu vực Nam Á trong tương lai.
Nhấn mạnh Việt Nam là một quốc gia ven biển, có đường bờ biển dài hơn 3.400km với nhiều thành phố cảng lớn, Đại sứ đề nghị hai bên cùng nghiên cứu, xem xét khả năng thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa các địa phương hai nước, trước mắt có thể là giữa thành phố Chittagong với thành phố Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, giao lưu nhân dân…
Ngoài ra, hai nước có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong lĩnh vực đóng tàu, vận tải biển, chế biến và bảo quản thủy hải sản. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong các vấn đề phía bạn quan tâm.
Tại cuộc gặp Chuẩn Đô đốc Mohammad Sohail, Giám đốc Cảng vụ thành phố Chittagong, Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường khẳng định với thế mạnh về phát triển hệ thống cảng biển và các tuyến vận tải đường biển, Việt Nam và Bangladesh sẽ là những điểm trung chuyển quan trọng tại châu Á, đón nhận những chuyến hàng lớn trên khắp thế giới.
Vì vậy, hai nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác giữa các thành phố cảng, cảng vụ lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước dễ dàng thâm nhập, đưa hàng hóa vào thị trường của nhau một cách an toàn, hợp pháp.
Chuẩn Đô đốc Mohammad Sohail cho biết hiện có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài lớn đang triển khai các hoạt động kinh doanh tại Bangladesh và đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp uy tín sở tại thông qua sự hỗ trợ của Cảng vụ Chittagong.
Ông mong sẽ sớm được đón tiếp các đoàn doanh nghiệp Việt Nam đến Chittagong để tìm hiểu thị trường và khám phá tiềm năng đầu tư, kinh doanh tại đây.
Nội dung quan trọng trong chương trình công tác là Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh và Phòng Thương mại và Công nghiệp thành phố Chittagong (CCCI) đã phối hợp tổ chức hết sức thành công Diễn đàn Chính sách Xúc tiến Thương mại và Đầu tư giữa nhóm doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên của CCCI do Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường và Chủ tịch CCCI Omar Hazzaz đồng chủ trì.
Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp hai nước đã chia sẻ, trao đổi về những thuận lợi và khó khăn trong tìm hiểu thị trường, các quy định luật pháp, thủ tục hành chính… để triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh tại mỗi nước.
Trong những vấn đề được thảo luận, vấn đề về thuế nhập khẩu cao tại Bangladesh và vấn đề thị thực vào Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp hai nước.
Về việc cấp thị thực, Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường cho biết như Đại sứ quán đã thông báo, từ tháng 8 năm nay, Việt Nam chính thức tiến hành cấp thị thực điện tử trực tuyến (E-Visa) với tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó bao gồm Bangladesh. Do đó, các doanh nghiệp Bangladesh có thể thực hiện các thủ tục liên quan một cách thuận tiện, nhanh chóng.
Đại sứ nhấn mạnh trong thời gian tới, để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác kinh tế-thương mại và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước dễ dàng tìm hiểu thị trường của nhau, việc thiết lập đường bay thẳng giữa Việt Nam và Bangladesh đóng vai trò hết sức quan trọng.
Đại sứ quán hiện đang phối hợp, trao đổi với các cơ quan liên quan để thúc đẩy mở đường bay kết nối hai nước trong thời gian sớm nhất, trước mắt có thể là giữa Hà Nội-Dhaka.
Ngay sau diễn đàn, một số hợp đồng và thỏa thuận hợp tác kinh doanh đã được ký kết giữa các doanh nghiệp hai nước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường và đoàn công tác cũng tham dự Lễ dâng y Kathina (áo cà sa) của cộng đồng Phật tử Bangladesh tại khu vực Chittagong./.
Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại Lễ dâng y Kathina (áo cà sa) của cộng đồng Phật tử Bangladesh ở khu vực Chittagong. (Ảnh: TTXVN phát)