Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 30,8 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2023
Trong tháng 7 năm 2023 nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,4 tỉ USD, giảm 6,2% so với tháng trước đó, tính chung 7 tháng đạt 7,5 tỉ USD, tăng 13,6% chiếm 24,4% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt hơn 7,1 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm, chiếm 23,3% tỷ trọng xuất khẩu.
Những nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trong 7 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước: Hàng rau quả tăng 128,5%; gạo tăng 70,3%; hạt điều tăng 33,3%; giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 100,1%; xăng dầu tăng 48%; than các loại tăng 159,3%.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực của nhiều ngành hàng xuất khẩu của nước ta. Vì vậy, việc nước Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại từ đầu năm 2023 mang đến kỳ vọng lớn cho các doanh nghiệp, ngành hàng, nhất là rau quả, thủy sản, xơ sợi, xi măng, cao su, thép, dệt may, gạo…
Trên thực tế, từ đầu tháng 12/2022, Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp phòng, chống Covid-19 và dự kiến mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý II/2023. Về tổng thể, điều này đã và sẽ còn tác động tích cực lên hoạt động của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện, Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 15% về tổng lượng và 16% về tổng kim ngạch xuất khẩu gạo.
Chỉ đơn cử với mặt hàng rau quả, thông tin từ Bộ NN&PTNT cho thấy, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 7 tháng năm 2023 tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng 68% so với cùng kỳ năm 2022, đạt tới 3,23 tỷ USD. Nguyên nhân là do nhu cầu mua hàng của Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ.
Bộ NN&PTNT lý giải, các nghị định thư mà Việt Nam đã ký với Trung Quốc trong năm ngoái đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay có nhiều thuận lợi.
Sầu riêng, xoài, thanh long, chuối là những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất. Trong đó, sầu riêng vươn lên dẫn đầu các nhóm hàng trái cây với kim ngạch có thể đạt 1 tỷ USD năm nay.
Hay với thủy sản, thị trường Trung Quốc hiện đứng thứ 3 sau Mỹ và Nhật Bản. Trong tháng 7/2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc giảm 5,5% so với tháng 6/2023 nhưng tăng 7,9% so với tháng 7/2022, đạt 115,22 triệu USD; cộng chung cả 7 tháng năm 2023 xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt trên 749,95 triệu USD, chiếm 15,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Với gạo, sau nhiều tháng chững lại, Trung Quốc đang tăng cường mua gạo của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp liên tục đàm phán được các hợp đồng xuất khẩu mới. Hiện, Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 15% về tổng lượng và 16% về tổng kim ngạch xuất khẩu gạo.
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiềm năng. Nguyên nhân do hạn hán kéo dài khiến sản lượng niên vụ 2021-2022 của nước này giảm 2%. Vì vậy, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022-2023.
Còn cao su, Trung Quốc luôn là thị trường chủ đạo xuất khẩu cao su của Việt Nam, chiếm 76,8% trong tổng khối lượng và chiếm 75,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của cả nước 7 tháng, đạt 757.603 tấn, tương đương gần 1,01 tỷ USD, giá 1.328,9 USD/tấn, tăng 12% về lượng, nhưng giảm 10% kim ngạch và giảm 19,7% về giá so với 7 tháng năm 2022.
Riêng tháng 7/2023, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 175,3 nghìn tấn, trị giá 226,26 triệu USD, giá 1.291 USD/tấn, tăng 27,6% về lượng, tăng 26,4% về trị giá nhưng giảm 0,9% về giá so với tháng 6/2023; còn so với tháng 7/2022 tăng 25% về lượng tăng 2,7% về trị giá nhưng giảm 17,9% về giá.
Đây là tháng thứ 6 liên tiếp lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc tăng so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá, nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc đang dần hồi phục được kỳ vọng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho xuất khẩu cao su của Việt Nam trong các tháng tới.