Vụ mùa năm nay, toàn huyện phấn đấu gieo cấy 8.024 ha lúa, năng suất đạt 56 tạ/ha trở lên. Với chủ trương gieo cấy hết diện tích đất lúa trong khung thời vụ tốt nhất, UBND huyện yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa bằng phương thức cấy lúa truyền thống và cấy bằng máy, hạn chế tối đa việc gieo thẳng.
Những ngày qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân trên địa bàn huyện đã huy động nhân lực, máy móc xuống đồng cấy lúa mùa trong khung thời vụ tốt nhất, phấn đấu hoàn thành gieo cấy trước ngày 25/7. Đến các xứ đồng sẽ bắt gặp nhiều hơn những vụ trước hình ảnh máy cấy công suất lớn, máy cấy mini chạy băng băng trên từng thửa ruộng. Đây là kết quả bước đầu trong đẩy mạnh tuyền truyền, vận động bà con nông dân trên địa bàn huyện thay đổi tư duy, tiếp cận phương thức sản xuất mới, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, giải phóng sức lao động.
Nông dân HTXNN Yên Mật (xã Kim Chính) sử dụng máy cấy mini để dần thay thế phương thức gieo thẳng
HTXNN Yên Mật (xã Kim Chính) đặc thù của đơn vị những năm trước đây là gieo thẳng 100% diện tích ở cả 2 vụ lúa, trước nhược điểm của gieo thẳng là phải sử dụng thuốc trừ cỏ, gây ô nhiễm môi trường và giảm chất lượng lúa; đồng thời thực hiện sự chỉ đạo của huyện, khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, đơn vị đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ xã viên thực hiện cấy lúa mùa bằng phương thức truyền thống và cấy máy. Vụ đông xuân 2022 – 2023, HTXNN Yên Mật bắt đầu thí điểm đưa 1 máy cấy mini vào sản xuất. Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc HTX NN Yên Mật cho biết: “Sau khi áp dụng máy cấy tại vụ đông xuân và thấy được hiệu quả, ở vụ Mùa này, nhiều hộ xã viên HTX tiếp tục chuyển từ gieo thẳng sang cấy lúa bằng máy. HTXNN Yên Mật tăng cường thêm 2 máy cấy mini vào sản xuất để giảm sức lao động và đẩy nhanh tiến độ cấy lúa mùa. Hiện HTXNN Yên Mật đã hoàn thành khâu gieo cấy với diện tích cấy tay và cấy máy chiếm trên 40% diện tích”.
Là một trong những hộ xã viên đầu tiên của HTXNN Yên Mật áp dụng phương thức cấy máy, ông Phạm Văn Nghĩa, đội sản xuất xóm 10, Kim Chính cho biết: “Gia đình cấy 3 mẫu ruộng, những năm trước đây gia đình đều tiến hành gieo thẳng, nhưng được HTXNN tuyên truyền về những nhược điểm của gieo thẳng và thực tế sản xuất cho thấy việc gieo thẳng sẽ phải sử dụng thuốc trừ cỏ rất nhiều nên từ vụ đông xuân, mấy gia đình đã chung nhau mua 1 máy cấy mini về gieo cấy, sau 1 vụ đã thấy được hiệu quả rõ rệt, vụ mùa này gia đình tiếp tục lựa chọn phương thức gieo cấy lúa mùa bằng máy”.
Xã Đồng Hướng là một trong những xã tiên phong của huyện thí điểm mạ khay – cấy máy, bắt đầu từ năm 2021 với diện tích nhỏ. Bước sang vụ mùa 2022, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình được nhân rộng ra 20 ha và hiện được bà con tích cực hưởng ứng và lựa chọn phương thức này, ông Nguyễn Văn Lạc, xóm 17 (xã Đồng Hướng) cho biết: Vợ chồng tôi đã có tuổi, thời tiết những ngày gieo cấy vụ mùa lại nắng nóng xen kẽ mưa giông, việc thuê người cấy khó khăn vì lực lượng lao động trẻ đi làm trong công ty đông; nếu có thuê được người cấy thì giá lại cao, rồi phải chuẩn bị mọi thứ từ gieo mạ, vận chuyển mạ ra đồng, thời gian cấy lâu. Vì thế, tôi thuê máy cấy của tổ dịch vụ máy cấy với giá 280.000 đồng/sào và chỉ mất 4-5 phút là cấy xong 1 sào.
Cùng với việc lựa chọn cấy lúa mùa bằng máy, nhiều hộ nông dân tại các địa phương cũng huy động nhân lực xuống đồng cấy lúa mùa theo phương thức truyền thống, nhất là những chân ruộng địa hình không bằng phẳng, khó điều tiết nước.
Nhiều hộ nông dân lựa chọn phương thức cấy lúa truyền thống
Kim Sơn có diện tích gieo cấy mỗi vụ trên 8.000ha, cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp. Trước tình trạng chuyển dịch lao động trẻ, khỏe từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ tiếp tục tăng gây thiếu hụt lao động nông nghiệp, ảnh hưởng đến sản xuất, nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện đã lựa chọn gieo cấy lúa theo phương thức gieo thẳng. Tuy nhiên qua thực tế sản xuất cho thấy lúa gieo thẳng bộc lộ khá nhiều hạn chế. Cụ thể, cây lúa gieo thẳng ở giai đoạn mới gieo dễ bị chuột, ốc bươu vàng gây hại. Trong vụ mùa, diện tích lúa mới gieo thẳng chỉ cần mưa 10 mm mà không rút nước kịp là bị ngập úng. Với phương pháp gieo thẳng bằng hình thức vãi tay hiện nay của bà con nông dân dẫn đến lúa lên dày, tốn nhiều giống, ảnh hưởng khả năng hấp thụ ánh sáng, nhiễm sâu, bệnh nặng hơn lúa cấy. Tại nhiều địa phương, bà con nông dân bỏ khá nhiều công sức tỉa dặm. Đặc biệt, trên diện tích lúa gieo thẳng hiện nay sau khi gieo phải rút kiệt nước thuận lợi cho lúa cỏ phát sinh gây hại; gieo thẳng phải sử dụng thuốc trừ cỏ, gây ô nhiễm môi trường và giảm chất lượng lúa. Còn phương thức cấy lúa truyền thống và cấy máy mang lại lợi ích lâu dài, hướng đến phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Do vậy, ngành nông nghiệp huyện đã và đang phối hợp với các địa phương trên địa bàn huyện đẩy mạnh tuyên truyền nông dân mở rộng diện tích cấy tay, cấy máy, hạn chế gieo vãi, gieo thẳng. Kết quả, vụ Đông xuân năm 2022-2023, tỷ lệ cấy tay, cấy máy trên địa bàn huyện đạt trên 50% diện tích. Bước sang vụ Mùa 2023, tính đến 21/7, các địa phương đã gieo cấy được trên 90% diện tích lúa mùa, trong đó có trên 70% diện tích áp dụng phương thức cấy tay và cấy máy.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về những nhược điểm của phương thức gieo thẳng. Để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy trên đồng ruộng, các địa phương trong huyện tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân chủ động đăng ký tham gia cấy máy với các HTXNN, tổ dịch vụ máy cấy. Bên cạnh đó, làm tốt công tác quy hoạch, chỉnh trang đồng ruộng để hình thành những vùng sản xuất lớn, tập trung. Huyện cũng ban hành cơ chế, chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng, nổi bật là Nghị quyết 38/NQ-HĐND ngày 31/3/2022 về việc thông qua Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp huyện Kim Sơn giai đoạn 2020 – 2025, trong đó sẽ hỗ trợ 50% chi phí mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, mức hỗ trợ không quá 150 triệu đồng 1 máy, thiết bị gồm mua mới các loại máy bơm vô ống (phục vụ tối thiểu cho 20 ha lúa), máy làm đất, máy cấy lúa, máy gặt đập liên hợp, máy bay phun thuốc BVTV, máy cuộn rơm, máy sấy nông sản, máy ép tách nước, máy chế biến phụ phẩm nông nghiệp. Chính sách đã góp phần tạo điều kiện để các HTXNN và bà con nông dân tiếp cận với máy móc, thiết bị hiện đại trong sản xuất nông nghiệp. Đến thời diểm này, trên địa bàn huyện đã có 7 máy cấy tại các xã Xuân Chính, Chất Bình, Kim Chính và Đồng Hướng.
Cùng với lựa chọn cơ cấu giống lúa có năng suất cao đưa vào sản xuất, việc áp dụng và mở rộng phương thức lúa cấy trong đó có sử dụng mạ khay – máy cấy, máy cấy mini sẽ góp phần đảm bảo lịch thời vụ tốt nhất, tạo tiền đề quan trọng bà con nông dân giành những vụ lúa thắng lợi.