Tăng trưởng chậm lại, xuất nhập khẩu sụt giảm, sản xuất suy yếu, giảm phát… là những gì mà nền kinh tế Trung Quốc đang hứng chịu sau đại dịch.
Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Các nhân tố này góp phần vào dự báo nước này khó đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay. Không những thế cuộc khủng hoảng bất động sản khởi đầu từ sự sụp đổ của Evergrande càng làm nền kinh tế thêm lao đao.
Bất động sản lao dốc
Từng là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, lĩnh vực bất động sản đóng góp khoảng 1/3 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Sau thời kỳ bùng nổ xây dựng kéo dài hàng thập kỷ, Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp hạn chế chặt chẽ mức nợ của các nhà phát triển bất động sản vào năm 2020 để hạ nhiệt phần nào thị trường bất động sản và giảm bớt rủi ro hệ thống cho toàn bộ hệ thống tài chính.
Dù vậy tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande đã vỡ nợ vào cuối năm 2021, gióng lên hồi chuông cảnh báo về một cuộc khủng hoảng trong ngành.
Evergrande nợ hơn 325 tỷ USD, con số lớn hơn số nợ của bất kỳ công ty bất động sản nào khác trên thế giới. Trong hai năm qua, Tập đoàn liên tục trải qua từ khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác, không thể thanh toán các khoản vay. Evergrande đã nỗ lực xúc tiến một đề xuất tái cơ cấu nợ nước ngoài trong hơn một năm rưỡi qua trị giá 35 tỷ USD, nhưng kế hoạch này đứng trước nguy cơ phá sản. Người sáng lập và là Chủ tịch Tập đoàn Hui Ka Yan bị điều tra vì có dấu hiệu phạm tội. Mới đây nhất tập đoàn đã phải ra hầu tòa tại Hong Kong (Trung Quốc).
Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại S&P Global Market Intelligence, nói với hãng truyền thông Đức DW rằng: “Sự suy giảm trong ngành xây dựng nhà ở của khu vực tư nhân Trung Quốc ngày càng kéo dài. Người dân Trung Quốc, những người trong nhiều năm vẫn tin rằng bất động sản là một hình thức đánh cược an toàn hơn so với thị trường chứng khoán đầy biến động, ngày càng lo sợ mất tiền đặt cọc trong các dự án bất động sản mới, mà có thể không bao giờ được xây dựng”.
Country Garden gần đây đã trở thành tâm điểm mới của khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc khi bị vỡ nợ hôm 18/10 do không trả được một khoản lãi hơn 15 triệu USD. Sau khi vỡ nợ, Country Garden bước vào con đường tái cơ cấu nợ – tương tự như hướng đi của Evergrande. Nếu một vụ sụp đổ tài chính hỗn độn xảy ra với Country Garden, nền kinh tế đang giảm tốc của Trung Quốc có thể sẽ phải hứng chịu những cú sốc lớn.
Sự lựa chọn khó khăn
Công nhân làm việc tại nhà máy Jack Sewing Machine ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Antonio Fatas, Giáo sư kinh tế tại trường đại học Kinh doanh INSEAD tại Singapore cho biết, trong trung hạn Trung Quốc cần phải thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào đầu tư bất động sản. 70% tài sản hộ gia đình trung Quốc hiện vẫn bị ràng buộc với thị trường bất động sản đang suy sụp.
Nhà kinh tế Biswas của S&P Global Market Intelligence cho rằng, ngay cả khi kịch bản xấu nhất không xảy ra, sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19 của Trung Quốc chắc chắn sẽ vẫn yếu ớt. Ông cảnh báo: “Triển vọng ngắn hạn của lĩnh vực xây dựng nhà ở vẫn còn nhiều thách thức và có thể tiếp tục là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vào năm 2024”.
Ông Biswas lưu ý rằng thị trường bất động sản Trung Quốc cũng phải đối mặt với những “cơn gió ngược về mặt cấu trúc” trong tương lai do dân số nước này dự kiến sẽ giảm trong hai thập kỷ tới. Ông nói thêm: “Hiện tượng đó có thể sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu mua nhà ở mới”.
Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis, cho biết sự điều chỉnh trên thị trường chỉ mới bắt đầu và sẽ mất nhiều năm để kết thúc. Trung Quốc cần phải kết hợp hài hòa nguồn cung nhà ở đang dôi dư với nhu cầu thấp hơn nhiều do già hóa dân số.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2024 xuống 4,4% từ mức ước tính trước đó là 4,8%, với lý do những khó khăn dai dẳng trong nước như nợ tăng cao, thị trường bất động sản trượt dốc và dân số già đi.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại vào khoảng 3,5% trong trung hạn, từ mức khoảng 5% trong năm nay, do những trở ngại về nhân khẩu học và tăng trưởng năng suất chậm lại.
IMF cho biết, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong tương lai có thể vượt 3,5% nếu nước này đưa ra nhiều biện pháp kích thích và cải cách kinh tế hơn.
Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của ngân hàng HSBC, lo ngại rằng những tác động từ cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu có thể tạo ra những trở ngại trong nhiều năm tới. Ông nói: “Lĩnh vực bất động sản đang bị thu hẹp của Trung Quốc trong những năm tới sẽ thực sự có tác động rất lớn đến ngành công nghiệp nặng và thị trường hàng hóa trên toàn cầu. Nhu cầu thép sẽ ít hơn và lượng tiêu thụ xi măng và kính cũng giảm đáng kể. Điều đó tác động đến các khu công nghiệp nặng của Trung Quốc”.