Ấn Độ – quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – đang cân nhắc đưa ra thêm nhiều biện pháp hạn chế đối với việc xuất khẩu gạo. Động thái đó có thể thắt chặt hơn nữa nguồn cung toàn cầu.
Nông dân cấy lúa tại Bhivpuri, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg
Hãng Bloomberg dẫn lời các nguồn thạo tin cho biết chính phủ Ấn Độ đang xem xét đánh thuế các lô hàng gạo đồ, trong bối cảnh quốc gia này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng giá lương thực.
Hiện nay, do ảnh hưởng của hình thái thời tiết El Nino, lượng mưa ở các bang trồng lúa trọng điểm của Ấn Độ như Tây Bengal, Uttar Pradesh, Jharkhand, Bihar, Chhattisgarh và Andhra Pradesh đều thấp hơn 15% so với bình thường. Thực trạng này có khả năng ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch năm nay.
Giá gạo tại châu Á tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 15 năm trong tháng 8, sau khi quốc gia Nam Á này tuyên bố cấm xuất khẩu gần như toàn bộ các loại gạo cùng với mối lo ngại về triển vọng sản xuất lúa gạo của Thái Lan. Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã khiến thế giới thiếu hụt khoảng 9,5 triệu tấn gạo, tương đương với 1/5 nhu cầu xuất khẩu toàn cầu.
Người phát ngôn của Bộ Tài chính Ấn Độ hiện chưa trả lời yêu cầu bình luận của Bloomberg về thông tin trên.
Đứng trước cơn bão giá trong nước, Ấn Độ đã đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và gạo tẻ thường, hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường, đồng thời hạn chế dự trữ một số loại cây trồng. Quốc gia này cũng đang xem xét bãi bỏ thuế nhập khẩu 40% đối với lúa mì và bán cà chua, ngũ cốc từ kho dự trữ quốc gia để cải thiện nguồn cung.