Để thế hệ trẻ phát huy năng lực chuyển đổi số

Từ 14 – 17/9, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức. Bên lề Hội nghị, một số nghị sĩ trẻ, thanh niên tiêu biểu trao đổi với phóng viên báo Tin tức về vai trò tiên phong của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số.

Video chia sẻ của đại biểu tham dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9:

Có chiến lược áp dụng đồng bộ chuyển đổi số từ phổ thông

Mang đến hội nghị nghị sĩ trẻ lần này TS. Trương Thanh Tùng, Trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, Khoa Dược, Trường Đại học Phenikaa nêu vấn đề: Nâng cao năng lực chuyển đổi số cho sinh viên, học viên, nhà khoa học trẻ”.

TS. Trương Thành Tùng cho biết: “Chuyển đổi số có tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội với nhiều ứng dụng to lớn, đặc biệt việc áp dụng chuyển đổi số cho công việc học tập, nghiên cứu của sinh viên, học viên, nhà khoa học trẻ đang phát triển hết sức mạnh mẽ trên thế giới. Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng có những tác động xấu, dẫn tới việc nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đối tượng học sinh, sinh viên, nhà khoa học trẻ cả về ứng dụng và phòng ngừa là rất cần thiết. Đối với việc giảng dạy và học tập, áp dụng những thành tựu của chuyển đổi số đã hỗ trợ cho việc nâng cao tinh thần tự học của sinh viên, một tinh thần hiện đang thiếu ở sinh viên Việt Nam và một số quốc gia. Cụ thể, các phần mềm quản lý học tập, lớp học ảo được cập nhật song song với lớp học trên lớp giúp sinh viên chủ động trong việc xem lại bài giảng, ôn tập lại kiến thức.

Một số trường đại học đang áp dụng việc ghi hình lại các bài giảng, hình thành các bài giảng số giúp sinh viên chủ động học tập ở mọi nơi. Kết quả cho thấy kiến thức và kết quả học tập được nâng lên rất nhiều so với phương pháp giảng dạy trên giảng đường thông thường. Đối với giảng viên, việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên được dễ dàng hơn. Các công cụ số có thể đưa ra thống kê mức độ đạt được kiến thức theo thời gian thực, giúp giảng viên có thể thay đổi phương pháp, bài giảng kịp thời cho từng đối tượng sinh viên.

Tuy nhiên, theo TS. Trương Thanh Tùng, để việc chuyển đổi số trong giảng dạy, học tập mang lại hiệu quả tối đa, yêu cầu các sinh viên phải có kỹ năng công nghệ tốt. Hiện nay, sinh viên vẫn còn chậm trong việc tiếp cận các công nghệ chuyên ngành. Sinh viên có thể có kỹ năng “sử dụng” công nghệ thông tin tốt với các phần mềm giải trí, mạng xã hội, nhưng khi tiếp cận các hệ thống mới, hệ thống hỗ trợ học tập thì ngược lại. Tốc độ giảng dạy, lượng kiến thức ở bậc đại học là rất lớn so với cấp phổ thông, nên việc lên đại học sinh viên mới được tìm hiểu các phương pháp này sẽ tốn nhiều thời gian hơn.

Theo TS. Trương Thanh Tùng, để nâng cao “đúng hướng” kỹ năng số cho sinh viên, đề xuất: “Cần sớm áp dụng các công nghệ quản lý đào tạo từ các cấp trung học phổ thông. Hay nói cách khác, cần áp dụng chuyển đổi số trong giảng dạy ở các trường phổ thông một cách đồng bộ mà hiện nay đang thiếu ở các quốc gia kém và đang phát triển.

“Chúng ta cần soạn thảo các chương trình hành động chung, thống nhất các cấp học, giúp trang bị kiến thức, kỹ năng, và đảm bảo an toàn trên không gian số cho nhóm này. Đối với việc nghiên cứu khoa học, việc áp dụng chuyển đổi số trong việc theo dõi, hỗ trợ, và đánh giá kết quả nghiên cứu sẽ giúp quá trình nghiên cứu dễ dàng hơn, nhanh hơn, giảm thiểu được rủi ro và tăng khả năng thành công”, TS. Trương Thanh Tùng nói.

TS. Trương Thanh Tùng cho rằng, cần có những khóa đào tạo tích hợp về kỹ năng áp dụng công nghệ số cho các nhà khoa học trẻ, vì sự phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ số với “sai sót nhỏ” có thể mang lại hậu quả “rất lớn” cho con người. Điều hiện nay đang thiếu ở nhiều trường đại học ở Việt Nam và trên thế giới. Vấn đề thiếu năng lực chuyển đổi số của sinh viên, học viên, các nhà khoa học trẻ có thể dẫn tới những hậu quả như việc bị lợi dụng, lộ thông tin cá nhân, bị đánh cắp dữ liệu nghiên cứu, ảnh hưởng tới kết quả nghiên cứu, thậm chí an ninh quốc gia.

“Các quốc gia có một chương trình đào tạo bài bản, thống nhất, liên tục từ các cấp bậc học về lớp học số; Cần có một tổ chức thanh niên (ở Việt Nam, tổ chức này là Đoàn thanh niên hoặc Hội Sinh viên) đứng ra tiên phong và hỗ trợ cho các hoạt động này và tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho thanh niên; Các nhà giáo, giáo sư cũng cần được nâng cao năng lực chuyển đổi số, tiến hành đào tạo liên tục trên các nền tảng số trước khi hướng dẫn sinh viên, đặc biệt là với các quốc gia kém và đang phát triển”, TS. Trương Thanh Tùng nói.

Góp tiếng nói để hoàn thiện thể chế chính sách

Là một thanh niên tiêu biểu trong 20 thanh niên Việt Nam tham dự Hội nghị lần này, anh Vũ Gia Luyện, CEO Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ thông tin quốc tế (ITS) cho rằng, hội nghị đã thể hiện đúng tầm quan trọng của giới trẻ với thế giới chúng ta. Bởi trong những năm qua, các khái niệm như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số hay mục tiêu phát triển bền vững đều đã được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông và cũng thực sự đi vào cuộc sống.

Anh Vũ Gia Luyện cho rằng: “Thế hệ trẻ Việt Nam là những con người rất đam mê và sáng tạo. Họ đã là một thành phần quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số và sẽ tiếp tục đóng vai trò lớn trong sự phát triển bền vững của thế giới”.

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ có lộ trình phù hợp với mỗi giai đoạn để nâng cao năng lực số cho thanh niên Việt Nam. Đồng thời, áp dụng khung năng lực số phù hợp với điều kiện đất nước, đặc biệt thế hệ trẻ. Các chương trình phải xây dựng đồng bộ, từng khu vực, đất nước đã lựa chọn”, anh Vũ Gia Luyện nói.

Nghị sĩ trẻ Trịnh Thị Tú Anh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Với vai trò là đại biểu quốc hội, những ý kiến đặt ra sẽ là cơ sở để chúng tôi xây dựng hành lang pháp lý, hoàn thiện cơ chế chính sách, cơ chế đặc thù để nâng cao năng lực số cho thanh niên. Những dự án luật đã được thông qua sẽ thúc đẩy phát triển chuyển đổi số trong thời gian tiếp theo”.

“Chúng tôi cũng tham gia giám sát thực thi chuyên đổi số, nâng cao năng lực số cho thanh niên một cách hiệu quả. Đồng thời, quyết định những chính sách lớn liên quan đến chuyển đổi số. Có thể những vấn đề đưa ra chưa được giải quyết triệt để nhưng có thể đặt ra để học tập kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới tham dự diễn đàn hôm nay”, Nghị sĩ trẻ Trịnh Thị Tú Anh nói.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top