Một số trường đại học cho rằng, kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học còn hạn hẹp và chưa thu hút được giảng viên tham gia.
Kinh phí nghiên cứu khoa học còn hạn hẹp nên chưa khuyến khích được nhiều giảng viên tham gia. Ảnh: TTXVN
Chưa khuyến khích được giảng viên
TS. Đinh Minh Hằng, Trưởng phòng Hành chính đối ngoại, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Các chính sách, quy định, quy chế với nghiên cứu khoa học vẫn chưa gắn liền với giảng dạy thực tế. Mặt khác, những nghiên cứu về lĩnh vực khoa học xã hội vẫn chưa được tập trung như lĩnh vực khoa học tự nhiên”.
TS. Minh Hằng cho biết, Trường Đại học Sư phạm có tới 636 giảng viên (gồm 424 tiến sĩ, trong đó có 128 giáo sư, phó giáo sư). Dù Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là đơn vị thuộc nhóm 5 trường được đầu tư nghiên cứu khoa học cao nhất Bộ GD&ĐT, nhưng kinh phí nghiên cứu khoa học từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cấp xuống chỉ khoảng 6 – 8 tỷ đồng/năm. Tính trung bình mỗi giảng viên chỉ được đầu tư từ 10 – 15 triệu đồng/năm. TS. Minh Hằng cho rằng, đây là khoản chi đầu tư chưa thu hút được các giảng viên.
“Bộ GD&ĐT nên chủ động đặt hàng để giải quyết vấn đề của xã hội đặt ra. Đồng thời, cần ban hành thêm các chính sách để thực sự khuyến khích nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các trường đại học”, TS. Minh Hằng nói.
PGS.TS Nguyễn Danh Nam, Đại học Thái Nguyên cho rằng, trong xu hướng tự chủ đại học, giảng viên các cơ sở giáo dục được độc lập trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, để thúc đẩy tự do học thuật hơn nữa, ông Nam đề xuất Bộ GD&ĐT cần tạo môi trường thuận lợi thông qua cơ chế của Nhà nước, đặc biệt là qua môi trường tự chủ đại học. Đồng thời, cần có kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đặc biệt là với các giảng viên trẻ nghiên cứu khoa học.
Bộ GD&ĐT cần xem xét tăng kinh phí đầu tư cho giáo dục đại học, tạo môi trường để giảng viên làm nghiên cứu khoa học; chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học nhằm phát huy tiềm năng của các cơ sở giáo dục và đưa lĩnh vực giáo dục đại học vươn tầm quốc tế.
Gỡ điểm nghẽn thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Trong quản lý của Bộ GD&ĐT, năm 2022 Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 109, quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học, quy định về cơ chế, khuyến khích các giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, những chế độ cho các nhóm nghiên cứu, giảng viên nghiên cứu. Nếu nói về các chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, một trong những yếu tố quan trọng là nguồn kinh phí. Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí của nhà nước có hạn. Do đó, các giảng viên, nhà nghiên cứu cần hướng đến các đối tác, đơn vị có nguồn đầu tư để được đặt hàng, nghiên cứu để có nguồn kinh phí dồi dào hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay đã có nhiều chính sách để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên vẫn còn một điểm nghẽn khiến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên chưa được phát huy đó là thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Việc này, hệ thống chính sách còn còn phức tạp, còn phải tháo gỡ nhiều.
Riêng với khối trường sư phạm, ở lĩnh vực khoa học cơ bản, cơ quan nhà nước sẽ phải tăng cường dưới dạng kinh phí đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu; nhưng vẫn cần quan tâm chú trọng đặt hàng từ doanh nghiệp, địa phương…
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tham gia nhiều hơn vào việc nghiên cứu khoa học của giảng viên trong trường đại học. Điều đó mới thúc đẩy được năng lực sáng tạo và khuyến khích được mong muốn nghiên cứu của giảng viên.