Ông Lê Xuân Chung, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Giang kiểm tra giờ học của học sinh lớp 6, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Xín Cái (huyện Mèo Vạc). |
Nguyên do bởi có đến 35/63 sở GD&ĐT chưa bố trí đủ 5 công chức làm công tác này theo quy định của Chính phủ.
Khó hoàn thành tốt nhiệm vụ
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, Hà Giang là 1 trong 6 địa phương trên cả nước chỉ có 3 công chức làm công tác thanh tra sở. Lý giải điều này, ông Lê Xuân Chung, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Giang, cho biết, do 2 công chức thanh tra mới được điều động, bổ nhiệm sang đơn vị khác.
Để bảo đảm chất lượng công việc, sở GD&ĐT đã biệt phái 2 viên chức của trường THPT đảm nhiệm công việc của vị trí thanh tra khuyết; đồng thời đang trong quy trình để bổ nhiệm thành công chức thanh tra. Do đó, thanh tra của sở vẫn hoàn thành các kế hoạch đề ra.
Khẳng định việc có đủ 5 người làm việc theo quy định là vô cùng quan trọng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, ông Lê Xuân Chung đồng thời chia sẻ, thanh tra sở phải đảm nhiệm rất nhiều vì kiêm thêm công tác pháp chế.
Sở GD&ĐT Lạng Sơn đang có 4 công chức làm công tác thanh tra. Chia sẻ nguyên nhân thiếu 1 nhân sự theo quy định, Giám đốc Sở GD&ĐT Hoàng Quốc Tuấn cho biết do biên chế chung thiếu.
“Thiếu biên chế thanh tra dẫn đến khó khăn khi tổ chức các đoàn, cuộc thanh tra. Khắc phục việc này, Sở GD&ĐT Lạng Sơn ưu tiên bố trí biên chế thanh tra khi sắp xếp lại các phòng thuộc sở; cử người đi học, bồi dưỡng nghiệp vụ theo tiêu chuẩn, quy định nhằm đáp ứng đủ yêu cầu; cử biệt phái tiếp cận, làm quen với công việc này để sẵn sàng khi có biên chế và thi tuyển công chức thanh tra”, ông Hoàng Quốc Tuấn cho hay.
“Nếu chỉ đi thanh tra chuyên ngành, hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, chúng tôi không gặp khó khăn vì thuộc về nghiệp vụ chuyên môn. Tuy nhiên, thêm công tác pháp chế có nhiều đầu việc:
Rà soát văn bản quy phạm pháp luật, thi hành, theo dõi thi hành pháp luật, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật… nên 5 người làm việc khá vất vả. Chưa kể, Hà Giang có trên 18 nghìn cán bộ giáo viên, 11 phòng GD&ĐT, 41 đơn vị trực thuộc sở… Các cơ sở giáo dục nằm trên địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn”, ông Lê Xuân Chung cho hay.
Quan tâm đúng mức
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, thông tin: Cả nước còn 35/63 sở GD&ĐT chưa bố trí đủ 5 công chức làm công tác thanh tra sở theo quy định của Chính phủ. Cá biệt, các Sở GD&ĐT Đà Nẵng, Bắc Kạn và Kon Tum chỉ có 2 nhân sự phụ trách công việc này. Sở GD&ĐT Quảng Ninh, Lâm Đồng, Phú Yên, Gia Lai, Hà Giang, Cao Bằng chỉ có 3 cán bộ thanh tra. Có 8 sở GD&ĐT chưa bổ nhiệm Chánh Thanh tra. 38 cán bộ thanh tra sở chưa được bổ nhiệm ngạch thanh tra.
Ảnh minh họa ITN. |
Thiếu số lượng dẫn đến khó khăn, vướng mắc: Không có cán bộ thanh tra là thanh tra viên trở lên để làm trưởng đoàn thanh tra cấp sở; không có người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bố trí thực hiện giám sát hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra theo quy định tại Luật Thanh tra 2022 và Nghị định 43/2023/NĐ-CP.
Việc một số sở GD&ĐT chưa đào tạo, bồi dưỡng và chuyển sang ngạch thanh tra cho công chức làm công tác thanh tra dẫn đến thiệt thòi về chế độ theo quy định pháp luật; thiếu người đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm trưởng đoàn thanh tra; ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ các cuộc thanh tra.
Nguyên nhân của việc này, theo ông Nguyễn Đức Cường, do lãnh đạo sở GD&ĐT chưa quan tâm đúng mức vị trí, vai trò của công tác thanh tra; cũng như việc xây dựng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên thanh tra giáo dục.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT chưa coi hoạt động thanh tra giáo dục là thiết chế của quản lý Nhà nước về giáo dục, giúp bảo đảm trật tự, kỷ cương hoạt động giáo dục trên địa bàn; dẫn đến xảy ra vi phạm, sai phạm trong hoạt động giáo dục; nhiều vụ tố cáo, khiếu nại kéo dài, phức tạp chưa được giải quyết dứt điểm.
Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực từ 1/7/2023 nhưng các văn bản, quy định dưới luật chưa được ban hành đồng bộ, đầy đủ, đặc biệt chưa xác định rõ vị trí, vai trò của thanh tra sở GD&ĐT; chưa có quy định đặc thù đối với thanh tra giáo dục, kế hoạch thực hiện theo năm học, bám sát nhiệm vụ trọng tâm năm học.
“Để hoạt động của thanh tra giáo dục cấp sở thực hiện đúng quy định pháp luật, góp phần giữ gìn trật tự, kỷ cương, năm học 2023 – 2024, các sở cần khẩn trương kiện toàn tổ chức, đội ngũ thanh tra; bố trí đủ số lượng tối thiểu, bảo đảm cơ cấu, thành phần theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đào tạo, bồi dưỡng và chuyển ngạch cho cán bộ làm công tác thanh tra giáo dục của sở theo quy định pháp luật. Bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra theo chương trình bồi dưỡng của Bộ GD&ĐT và bổ sung đội ngũ cán bộ, viên chức dự kiến trưng tập làm thành viên các đoàn thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu Chỉ thị số 1048/CT-BGDĐT ngày 28/4/2020, Hướng dẫn số 3972/BGDĐT-TTr.
Xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra; lựa chọn đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra có chuyên môn nghiệp vụ; bố trí tham gia các đoàn thanh – kiểm tra, giám sát, thẩm định theo đúng quy định pháp luật; thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng theo quy định”, ông Nguyễn Đức Cường lưu ý.
Bên cạnh hạn chế về số lượng thanh tra, một số sở GD&ĐT chưa quan tâm, bồi dưỡng thường xuyên chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cộng tác viên thanh tra giáo dục. Có 10/63 sở GD&ĐT từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2023 chưa tổ chức rà soát, bồi dưỡng nghiệp vụ, công nhận cộng tác viên thanh tra giáo dục theo Thông tư số 24/2016/TT-BGDĐT.
9 sở GD&ĐT có dưới 50% số lượng cộng tác viên thanh tra giáo dục được bồi dưỡng trên tổng số cộng tác viên thanh tra giáo dục. Điều đó dẫn đến tình trạng vừa thiếu, vừa yếu, không đủ để huy động tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của sở/Bộ GD&ĐT; nhất là các cuộc thanh tra, kiểm tra có quy mô lớn như thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, Sở GD&ĐT TPHCM chỉ còn 138 cộng tác viên thanh tra giáo dục. – Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường