Kết nối tiêu thụ sản phẩm miền núi qua nền tảng thương mại điện tử

Các bộ, ngành, địa phương và kênh thương mại điện tử đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hoá qua thương mại điện tử.
Nhờ vậy, nhiều sản phẩm đặc sản địa phương nói chung, sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nói riêng được đẩy mạnh tiêu thụ.


Quang cảnh toạ đàm. Ảnh: Uyên Hương/ BNEWS/ TTXVN

Tuy nhiên, dù các kênh thương mại điện tử đã được gia tăng và có nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm thúc đẩy tiêu thụ, nhưng vẫn còn nhiều sản phẩm chưa tiếp cận được các nền tảng kinh doanh hiện đại này. Đồng thời, việc kết nối và tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi qua nền tảng thương mại điện tử mới chỉ dừng ở việc quảng bá, giá trị bán hàng còn thấp.
Thông tin này được các diễn giả thảo luận sâu tại Toạ đàm Gia tăng kênh thương mại điện tử, tiêu thụ sản phẩm đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 16/10 tại Hà Nội.
Phát biểu tại toạ đàm, ông Nguyễn An Sơn – Trưởng phòng Phát triển dự án, Trung tâm Tin học và Công nghệ số – Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiêu thụ nông sản, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt các hoạt động nhằm hỗ trợ việc thúc đẩy sử dụng ứng dụng thương mại điện tử trong cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, giúp thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về trình độ phát triển thương mại điện tử.


Ông Nguyễn Anh Sơn- Trưởng phòng Phát triển dự án, Trung tâm Tin học và Công nghệ số- Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/ TTXVN

Theo ông Nguyễn Anh Sơn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo về thương mại điện tử cho bà con tại các vùng dân tộc thiểu số. Qua đó, giúp địa phương tăng cường phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân sử dụng thương mại điện tử.
Ngoài ra, để phát triển hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số còn đã phát triển các giải pháp về thanh toán điện tử và logistics. Các giải pháp này đã đóng vai trò thiết lập được hạ tầng hỗ trợ và tạo môi trường giúp cho doanh nghiệp có thể ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số thành công.
Hơn nữa, nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại địa phương và đẩy mạnh việc kết nối theo vùng, thông qua một loạt các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng góp phần đưa hàng trăm sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) và sản phẩm nông thôn tiêu biểu lên tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử.
Đặc biệt, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng triển khai các chương trình hợp tác với sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới để ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới. Qua đó, sản phẩm đặc sản của Việt Nam do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sẽ được xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.

Về phía các địa phương, ông Phạm Thành Nam – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại – Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cho hay, tỉnh Trà Vinh có tổng dân số khoảng hơn 1 triệu dân; trong đó, có 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm khoảng 32% dân số.
Đáng lưu ý, tỉnh Trà Vinh thuộc khu vực miền Tây, có lợi thế về nông nghiệp và nhiều sản phẩm nông sản, thủy sản, cây trái và sản phẩm phát triển từ làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử vào đời sống và tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con, Sở Công Thương Trà Vinh đã đẩy mạnh phát triển sàn thương mại điện tử Trà Vinh tại địa chỉ tại travinhtrade.com.vn.
Theo ông Phạm Thành Nam, hiện nay các trang thông tin, sàn thương mại điện tử của Trà Vinh cập nhật hơn 150 doanh nghiệp và hơn 750 sản phẩm các loại gồm hàng trăm sản phẩm OCOP cũng như sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu và 300 sản phẩm khác.


Bà Hoàng Thị Huyền- Trưởng phòng Kinh doanh online- Trung tâm kinh doanh và phân phối Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Ảnh: Uyên Hương/ BNEWS/ TTXVN

Mặt khác, Trà Vinh cũng đang triển khai liên kết sàn giao dịch giữa các tỉnh; trong đó, đã liên kết được 18 tỉnh trong khu vực của miền Đông và khu vực miền Tây như Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế,… để hỗ trợ doanh nghiệp trong kết nối cung cầu và tìm kiếm thị trường hàng hóa.
Không dừng lại ở đó, Trà Vinh còn có hoạt động đẩy mạnh tham gia các gian hàng trực tuyến như của Lazada, Tiki, TikTokshop,… Hiện nay, Trà Vinh cũng đang đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP 3-4 sao tại thị trường này.
Đồng thời, Trà Vinh đang hỗ trợ sản phẩm OCOP 5 sao tham gia gian hàng của sàn thương mại điện tử quốc tế. Bên cạnh việc tham gia chương trình, Trà Vinh cũng chú trọng việc đào tạo cũng như đưa sản phẩm địa phương ra thị trường, ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh. Các giải pháp này đã giúp hỗ trợ tích cực cho địa phương trong việc tiêu thụ nông sản.
Bà Hoàng Thị Huyền – Trưởng Phòng Kinh doanh Online – Trung tâm kinh doanh và phân phối, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chia sẻ, thời gian qua, Bưu điện Việt Nam và sàn Postmart đã thực hiện các chiến dịch hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản.
Với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc tiêu thụ nông sản của Bưu điện Việt Nam gặp khá nhiều thuận lợi như vải Bắc Giang, mận Sơn La, xoài Yên Châu… đã được tiêu thụ tốt trên sàn Postmart với sản lượng tiêu thụ lên tới hàng nghìn tấn
Ngoài ra, các chương trình được tổ chức trên sàn thương mại điện tử Postmart cũng được sự ủng hộ của rất nhiều khách hàng bên ngoài, lượt traffic (truy cập) vào sàn lúc đỉnh điểm lên tới 5 triệu traffic.


Bà Vũ Thị Lệ Thuỷ- Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Dù đã có một số thuận lợi, đồng thời, các kênh thương mại điện tử đã được gia tăng và có nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản khu vực miền núi, nhưng nhìn chung hiện nay, vẫn còn nhiều sản phẩm chưa tiếp cận được các nền tảng kinh doanh hiện đại này.
Đồng thời, việc kết nối, và tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi qua các nền tảng thương mại điện tử mới chỉ dừng ở việc quảng bá, giá trị bán hàng còn thấp. Chưa kể, vẫn còn tình trạng hàng nhái, hàng giả ảnh hưởng đến tâm lý người mua hàng.
Chia sẻ việc bán hàng qua kênh thương mại điện tử (kể cả Facebook, Tiktok, Zalo… ) có vị trí như thế trong tiêu thụ sản phẩm, bà Vũ Thị Lệ Thuỷ, Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm nhấn mạnh: Thời gian qua, hợp tác xã đã thường xuyên kết hợp trên các nền tảng số, đặc biệt là Facebook và Zalo đến các trênFanpage.
Khi triển khai việc truyền thông trên các nền tảng số, hợp tác xã thấy là sự tiếp cận đến với người tiêu dùng được dễ dàng hơn. Và để sản phẩm tạo được điểm khác biệt, hợp tác xã cũng xây dựng một quy trình nghiêm ngặt hơn trong quá trình sản xuất. Đó là tất cả các thành viên, khi tham gia vào 3T Farmphải có bản cam kết ngay từ ban đầu tham gia vào hợp tác xã là phải có ba “không”.
Cụ thể, không được phun thuốc diệt cỏ; không được phun thuốc diệt muỗi; đến thời điểm thu hoạch hợp tác xã sẽ thu mẫu của vườn thành viên bất kỳ mà không có báo trước để đi kiểm nghiệm. Nếu như khi kiểm nghiệm mà phát hiện dư lượng vườn đó sẽ dừng, không thu hoạch và chi phí kiểm nghiệm thành viên đó phải trả. Nhưng nếu kiểm nghiệm an toàn, chi phí sẽ do hợp tác xã trả và vườn đó được thuhoạch. Cam kết này phải thực hiện ngay từ ban đầu và đây chính là điểm khác biệt.
Tuy nhiên, khó khăn của hợp tác xã 100% là nông dân nên kiến thức về công nghệ gần như là bằng 0nên việc khai thác để sử dụng nền tảng số một cách hiệu quả cao đến nay vẫn chưa khai thác được.
Ông Nguyễn Anh Sơn khẳng định: Tới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ giải quyết khó khăn liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và vấn đề hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh đó, Cục sẽ tổ chức các lớp đào tạo, tuyên truyền và đào tạo nguồn nhân lực về ứng dụng thương mại điện tử cũng như công nghệ số cho các tỉnh, thành, địa phương. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức, nâng cao kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử tại địa phương.
Ngoài ra, liên tục tổ chức chương trình để tiêu thụ nông sản địa phương như Chương trình mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử quốc gia Go Online và tổ chức, các gian hàng Việt trực tuyến trên sàn thương mại điện tử tại địa phương.
Hơn nữa, Cục tổ chức ứng dụng các quy trình, những giải pháp liên quan đến hỗ trợ xuất khẩu qua thương mại điện tử tại thị trường, trước hết là thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Riêng với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa thì việc phát triển hạ tầng logistics là rất cần thiết và quan trọng. Vì vậy, Cục sẽ tích cực phối hợp với đơn vị như Postmart và đơn vị cung cấp, cung ứng dịch vụ chuyển phát khác trên thị trường để có thể hình thành được mạng lưới và hỗ trợ chuyên biệt cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng như người nông dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiêu thụ hiệu quả nông sản./.

Theo: bnews.vn
Spread the love
Back To Top