Thoát nghèo từ chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi

Nhờ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị, hàng nghìn hộ dân đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh từng bước thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu.

Hoạt động nghiệp vụ tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Ảnh: Nguyên Linh – TTXVN

Nhiều hộ dân của huyện miền núi Đakrông, nơi định cư của phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số nhờ vay vốn ưu đãi của Nhà nước đã vươn lên thoát nghèo. Gia đình ông Hồ Văn Lâu, xã Tà Rụt, huyện Đakrông là một trong những hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đakrông để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, ông Lâu đầu tư trồng 3 ha cây tràm và phát triển chăn nuôi đàn bò. Từ chỗ là hộ nghèo, đến nay, gia đình ông đã thoát nghèo, mỗi tháng gia đình có thu nhập khoảng 10 triệu đồng từ rừng trồng và chăn nuôi. Bốn hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông cũng thoát nghèo vào cuối năm 2023 nhờ sử dụng nguồn vốn chính sách có hiệu quả.

Gia đình ông Hồ Sỹ Hóc (xã Ba Nang, huyện Đakrông), là một trong nhiều hộ được vay vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, trước đây, ông Hóc chỉ canh tác nương rẫy không mang lại hiệu quả kinh tế. Đầu năm 2023, ông được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đakrông, thông qua Hội Nông dân, giải ngân cho vay 90 triệu đồng. Từ nguồn vốn ưu đãi này, ông mua hai con bò để nuôi và trồng 2 ha cây tràm. Đến nay, ông đã phát triển đàn bò lên được gần mười con. Ông Hồ Sỹ Hóc phấn khởi cho biết, ông là một trong bốn hộ dân của xã Ba Nang thoát nghèo vào cuối năm 2023.

Ông Hồ Văn My, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ba Nang cho biết: “Là xã biên giới đặc biệt khó khăn, những năm qua Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt với nhiều chính sách ưu đãi lớn, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội đang mang lại hiệu quả, đổi thay. Có vốn, đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư trồng rừng keo tràm, nuôi bò, nuôi dê, cải tạo đất đồi thành ruộng trồng lúa nước, bắp lai, xuất khẩu lao động. Nhờ nguồn vốn ưu đãi này nên nhiều gia đình có điều kiện để mở rộng đầu tư sản xuất, có thu nhập ổn định, xóa được nghèo khó.

Ông Ngô Văn Bảo, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đakrông cho biết, với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã về đến tận các thôn, bản trên địa bàn huyện để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Qua đó, giúp người dân được tiếp cận, nắm bắt, mạnh dạn vay vốn để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Theo ông Bảo, nhận thức của người dân về chủ trương tín dụng chính sách xã hội ngày càng nâng cao. Người dân đã ý thức rõ hơn về các khoản vay của mình, sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ đúng hạn. Đến cuối năm 2023, huyện Đakrông có thêm 28 hộ vay nguồn vốn chính sách được thoát nghèo.

Bằng phương thức cho vay trực tiếp, có ủy thác thông qua các tổ chức chính trị xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Quảng Trị đã triển khai thành công 18 chương trình tín dụng chính sách như cho vay vốn hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh- sinh viên, xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Năm 2023, tổng dư nợ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Quảng Trị đạt 4.768 tỷ đồng, tăng 886 tỷ đồng so với năm 2022, tốc độ tăng trưởng đạt 22,8%.

Bà Trần Đức Xuân Hương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Quảng Trị cho biết, năm 2023 nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho gần 30.000 khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn, góp phần giúp hơn 6.160 lao động có việc làm; 830 hộ dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được vay vốn ưu đãi để chuyển đổi nghề và làm nhà ở; 1.500 hộ dân sống ở các vùng khó khăn được tiếp cận vay vốn tín dụng chính sách. Đồng thời, hơn 17.000 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 420 hộ dân được vay vốn để xây mới và sửa chữa nhà ở.

Theo ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị. Qua thực tiễn triển khai, nhiều đối tượng chính sách nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, kinh doanh mà vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, qua đó đã thể hiện được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các chính sách dân tộc.

Theo bà Hương, đề nghị Chính phủ xem xét cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được thụ hưởng chương trình tín dụng ưu đãi đối với chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 và Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg ngày 5/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ, kéo dài thời gian được thụ hưởng 3 năm kể từ ngày được công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhằm tạo điều kiện cho người dân có vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững. Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh nâng mức cho vay chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng/công trình lên 30 triệu đồng/công trình cho phù hợp với tình hình nhu cầu thực tế tại địa phương. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét, trình Chính phủ bổ sung thêm chương trình tín dụng đối với hộ gia đình có mức sống trung bình được vay vốn ưu đãi để có thêm nguồn lực mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Theo: bnews.vn
Spread the love
Back To Top