Tính đến ngày 30/9/2023, doanh số cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh đạt gần 746 tỷ đồng, đáp ứng cho 22.447 khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ 499 tỷ đồng.
Tây Ninh xử lý nợ quá hạn, nợ xấu từ nguồn vốn ủy thác. Ảnh: BNEWS phát
Ngày 11/10, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh tổ chức đánh giá kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch 3 tháng cuối năm và đề ra phương án xử lý nợ rủi ro đợt 2 năm 2023.
Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh cho biết, tính đến ngày 30/9/2023, doanh số cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh đạt gần 746 tỷ đồng, đáp ứng cho 22.447 khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ 499 tỷ đồng.
Trong đó, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt gần 3.674 tỷ đồng, tăng gần 246 tỷ đồng so với đầu năm 2023, đạt trên 99% kế hoạch được giao, với 115.196 hộ đang còn dư nợ. Cụ thể, dư nợ nguồn vốn Trung ương ủy thác đạt 3.282 tỷ đồng, tăng 182 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 99% kế hoạch giao; dư nợ nguồn vốn địa phương ủy thác đạt 392 tỷ đồng, tăng 64 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 99,5% kế hoạch giao.
Tỉnh đã giải ngân cho 130 khách hàng vay vốn theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, với số tiền gần 39 tỷ đồng, dư nợ lũy kế đến nay là trên 222 tỷ đồng. Về thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay (theo Nghị định số 36/2022/NQ-CP của Chính phủ) đã hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền gần 32 tỷ đồng (năm 2022 gần 10 tỷ đồng và 9 tháng năm 2023 gần 22 tỷ đồng).
Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã tiến hành hạch toán xử lý nợ rủi ro cho 184 khoản vay, với số tiền gần 3,4 tỷ đồng (vốn gốc là gần 3,2 tỷ đồng, lãi vay là gần 200 triệu đồng); trong đó xóa nợ 50 khoản vay, với tổng số tiền 981 triệu đồng; khoanh nợ 134 khoản vay, với tổng số tiền trên 2,4 tỷ đồng. Tính đến 30/9, toàn tỉnh có 562 hộ vay đi khỏi nơi cư trú, với tổng số tiền hơn 10,4 tỷ đồng, giảm 200 hộ so với đầu năm 2023.
Ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Tây Ninh cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, công tác xử lý nợ xấu của các đối tượng bỏ đi khỏi địa phương có giảm, nhưng 9 tháng đầu năm phát sinh 3 hộ mới và một huyện có nợ xấu tăng; 4 huyện có tỷ lệ nợ xấu cao hơn bình quân chung của tỉnh; công tác kiểm tra của các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân và Đoàn thanh niên chưa thực hiện theo kế hoạch được giao.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong đề nghị trong 3 tháng cuối năm 2023, Ban đại diện các cấp tiếp tục báo cáo, tham mưu cho cấp ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của cấp trên nhằm tăng cường sự lãnh đạo, quản lý đối với tín dụng chính sách xã hội. Cùng đó, phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, các sở, ban, ngành có liên quan và chính quyền địa phương triển khai cho vay theo kế hoạch được giao; tập trung giải quyết nợ khoanh, nợ xấu, cho vay, giải quyết việc làm… để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng.
Ủy ban nhân dân các địa phương quan tâm sử dụng hiệu quả nguồn vốn ủy thác trong năm 2024; Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh tập trung xử lý nợ theo chương trình 327 của Trung ương, nếu gặp khó khăn thì kiến nghị, đề xuất để có hướng dẫn xử lý kịp thời.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong nhận định, việc lập hồ sơ vay vốn chính sách hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực hiện chặt chẽ nên cần kiểm soát nghiêm đảm bảo đúng quy định. Đồng thời, rà soát xử lý nợ của khách hàng, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý và xử lý nợ tại các địa phương. Đối với các đối tượng vay vốn là người mãn hạn tù cần có kế hoạch thẩm định, nghiên cứu kỹ phương án, dự án để việc quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp 22.447 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh. Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 94/94 xã, phường, thị trấn, 100% ấp, khu phố; thu hút, tạo việc làm cho 5.748 lao động; tạo điều kiện cho 1.621 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 26.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng 75 căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ./.