Nhà báo Trần Toản: Hành trình hoạt động truyền thông “Cứ đi rồi sẽ đến”

Diễn giả Trần Toản được mọi người ưu ái gọi với cái tên “Người phụ nữ vạn năng”. Bởi không những là một nhà báo xuất sắc, chị còn là một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực truyền thông thương hiệu và là người khởi xướng nhiều chương trình thiện nguyện.

Từ đam mê với nghề báo

Trong suốt quá trình cầm bút, bên cạnh hình ảnh gắn liền với các tác phẩm báo chí điều tra sắc sảo, chị thường gắn bó với các đề tài văn hoá, xã hội và y tế, đặc biệt đi sâu tìm hiểu về những số phận thiếu may mắn, những em bé mồ côi không nơi nương tựa, những mảnh đời bất hạnh như các bệnh nhân khô da sắc tố ở Mường Chiềng, học trò nghèo Mường Lát, hay các đề tài xúc động, chân thực như Ốc đảo Đồng Mậm, lớp học hy vọng…

Chị nói “Viết về họ là để chia sẻ, động viên, giúp những mảnh đời cơ cực vượt lên số phận, đồng thời tạo cầu nối để cộng đồng chia sẻ, đồng hành cùng họ hướng tới tương lai tốt đẹp”

Gần 20 năm gắn bó với nghề, chị đã sở hữu nhiều giải thưởng báo chí danh giá: Giải báo chí Quốc gia, Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam; giải Nữ phóng viên xuất sắc…

Không chỉ tâm huyết với nghề, nhà báo Trần Toản còn là một diễn giả trong lĩnh vực truyền thông thương hiệu,

hướng dẫn kỹ năng sống, truyền động lực cho giới trẻ.

Có thể nói, niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề báo đã giúp chị có được những thành tựu đáng nể phục. Nhưng “người phụ nữ vạn năng” ấy vẫn luôn nuôi khát vọng muốn thử thách bản thân mình.

Trở thành một diễn giả xây dựng Truyền thông thương hiệu

Không chỉ tâm huyết với nghề, nhà báo Trần Toản còn là một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực truyền thông thương hiệu như: Tham gia xây dựng chiến lược truyền thông, tư vấn tái cơ cấu doanh nghiệp, cố vấn chiến lược truyền thông tại nhiều tập đoàn lớn thuộc các lĩnh vực khác nhau như: May mặc, truyền thông, bất động sản, thương mại, tài chính.

Từ công việc làm báo song song với việc làm chuyên gia thương hiệu, khó khăn lớn nhất trong thời gian đầu mà chị gặp phải là còn chưa nhiều kiến thức thực tế, mặc dù trước đó chị đã tham gia vận hành doanh nghiệp. Làm báo là mang hiện thực khách quan đến với độc giả và các vấn đề được giải quyết ngay sau đó. Còn với truyền thông, đó còn là việc thay đổi tư duy. Có những dự án không phải 1, 2 tháng mà kéo dài 3 đến 5 năm, nhiều doanh nghiệp luôn đặt ra “hàng rào” đối với truyền thông, thậm chí một số quan niệm cho rằng không cần truyền thông thì khách hàng cũng đã tự tìm đến sản phẩm.

Với chị chính tư duy làm báo là tiền đề để giúp bản thân linh hoạt hơn trong quá trình hoạt động truyền thông. Trong quá trình làm nghề, chị nhận thấy tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp nếu coi trọng truyền thông, nếu các doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu đủ, áp dụng phù hợp truyền thông sẽ đưa doanh nghiệp lên tầm cao mới. Tuy nhiên, với 2 đối tượng mà chị thường chọn để tư vấn là doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp tự thân, mô hình công ty gia đình đều có những khó khăn.

Nhận thấy rằng, so với nhiều quốc gia khác, Việt Nam đã phải trải qua những giai đoạn khó khăn, chịu tác động bởi những đợt khủng hoảng kinh tế, do vậy cách bắt nhịp của các doanh nghiệp trong nước đâu đó cũng sẽ bị chậm hơn một số doanh nghiệp nước ngoài. Truyền thông thương hiệu đối với một số doanh nghiệp còn nhiều mới mẻ, lạ lẫm. Do đó, diễn giả Trần Toản đồng cảm và luôn dành thời gian tư vấn, hỗ trợ miễn phí cho những doanh nghiệp startup chưa có nhiều kinh nghiệm và kinh phí để phát triển truyền thông thương hiệu. Điều chị quan tâm là mình giúp được gì cho doanh nghiệp và sự thay đổi đó giúp được gì cho sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp,của đất nước.

Diễn giả Trần Toản – Người làm truyền thông bằng cả trái tim.

Trước đây có quan niệm cho rằng truyền thông thương hiệu là PR, quảng cáo và truyền thông thương hiệu là làm cách nào để sản phẩm đó làm ra một thu về lãi mười, nhưng thực chất cần phân biệt giữa branding, marketing và PR. Truyền thông truyền tải thông tin rộng rãi tới mọi đối tượng và cũng giúp doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng, đón nhận những phản hồi từ khách hàng, nó có vai trò quan trọng sống còn trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp.

Một thông điệp mà chị luôn muốn nhắn gửi đến các doanh nghiệp: Chúng ta luôn luôn phải làm mới,trong từng giai đoạn quan tâm tới tái cơ cấu doanh nghiệp của mình và quan tâm đến truyền thông nội bộ. Hiểu đơn giản: Doanh nghiệp muốn khách hàng yêu sản phẩm của mình, thương hiệu của mình được trân trọng, nhưng những người làm ra nó không yêu, không trân trọng thì quả thật khó bền vững.

Xu hướng truyền thông của thế giới cũng dần thay đổi, họ tập trung nhiều đến văn hoá nội bộ. Một điều mà nước mình đang thiếu hụt, ít quan tâm. Thế nhưng, trong rất nhiều khó khăn của nghề tư vấn truyền thông, có một điều chị rất trân quý, hãnh diện về các doanh nghiệp Việt Nam, đa phần người đứng đầu các doanh nghiệp đều dành tình cảm cho các chương trình từ thiện, nên các chiến lược truyền thông thương hiệu mà chị tư vấn thường có các hoạt động vì cộng đồng, vừa thiết thực người dân, vừa đưa thương hiệu doanh nghiệp đến gần hơn với khách hàng.

Là một người phụ nữ luôn hướng mọi việc theo tư duy tích cực, bất kể trong hoàn cảnh nào chị luôn tìm ra lý do để yêu công việc, vượt qua những rào cản. Cũng như công việc truyền thông thương hiệu, chị luôn tâm niệm: “Cứ đi rồi sẽ đến” đi chậm cũng được, đi đường vòng cũng được, miễn là không bỏ cuộc!

Đến người khởi xướng các chương trình từ thiện đầy ắp tình yêu thương

Không chỉ là một nhà báo, một chuyên gia với “lửa nghề” cháy bỏng, người phụ nữ “vạn năng” ấy còn là người khởi xướng trong các chương trình thiện nguyện. Nổi bật, năm 2021, chị là thành viên Đồng sáng lập chương trình thiện nguyện “Vạn dặm thương yêu” và hiện chị là giám đốc Quỹ học bổng “Vạn dặm thương yêu”.

Những chuyến đi đầy cảm xúc của chương trình “Vạn dặm thương yêu”.

Trải qua nhiều khó khăn, vất vả trong quá khứ, chị hiểu những gì các em nhỏ tại các vùng quê nghèo phải vượt qua. Những bữa ăn chỉ có cơm trắng, ở trên những lán trại cha mẹ dựng tạm. Con đường đến trường thật gian nan … Chị luôn ao ước mình có thể giúp đỡ được nhiều những mảnh đời bất hạnh ngoài kia, để giúp họ vượt qua khó khăn, có cuộc sống ấm no và hạnh phúc hơn.

Nhưng một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân, một mình chị sẽ không thể giúp được nhiều người. Chương trình Vạn dặm thương yêu và quỹ  học bổng “Vạn dặm thương yêu” ra đời với mong muốn là cầu nối những tấm lòng nhân ái tới với những em nhỏ mồ côi, học giỏi, những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Quỹ này được gieo và được mọi người biết tới thông qua những buổi chia sẻ, những chương trình truyền thông trên đài, báo, mạng xã hội…

Học bổng góp phần giúp các em có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường, viết tiếp ước mơ tươi sáng

Cùng lúc đảm đương nhiều công việc, nhưng với chị Trần Toản luôn có sự sắp xếp hợp lý. Không một lời than phiền mà chỉ có nụ cười rạng rỡ, chị chia sẻ: các công việc mình đang làm đều đang bồi đắp cho nhau, người làm báo là xử lý thông tin, thẩm định thông tin, truyền tới công chúng những thông tin hữu ích, có trách nhiệm, phản ánh hiện thực khách quan một cách trung thực nhất, lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng, làm truyền thông thương hiệu cũng cần hồn cốt ấy, cũng cần minh bạch và góp phần vào phát triển kinh tế đất nước.

Từ kiến thức thực tế giúp chị có những tác phẩm báo chí sắc sảo hơn, sống hộng hơn. Là một cố vấn chiến lược, mình định hướng được các hoạt động cộng cồng, đưa tinh thần nhân văn của dân tộc vào chương trình truyền thông thương hiệu.

Hành trình “Vạn dặm thương yêu” cùng Nhà báo, diễn giả Trần Toản đến với các em học sinh trường THPT Mai Sơn, Lục Yên, Yên Bái.

Phần lớn nguồn thu nhập chị đóng góp cho các chương trình thiện nguyện. Cũng thông qua các chương trình trao học bổng, chị dành thời gian truyền động lực và chia sẻ kỹ năng sống cho các em học sinh. Đó cũng chính là động lực để chị cố gắng thật nhiều trong công việc và cuộc sống.

Nguồn: Pháp luật plus

PV
Theo: Pháp luật plus
Spread the love
Back To Top