Gia tăng trẻ nhập viện vì cột sống hình chữ S

Thời điểm nghỉ hè, trẻ  đến khám và điều trị cong vẹo cột sống tại các bệnh viện có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình có xu hướng gia tăng. Vẹo cột sống ở trẻ là tình trạng phổ biến, có thể biểu hiện ở mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Bệnh lý này thường không gây đau đớn nhưng nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Một bệnh nhân có cột sống hình chữ S được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức. Ảnh: Xuân Lộc

Những nguyên nhân gây vẹo cột sống

Tại Khoa Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức), phóng viên Báo Hànộimới đã tiếp xúc với bé gái Lê Khánh Ch. (15 tuổi ở Hà Tĩnh) bị cong vẹo cột sống từ nhiều năm nay nhưng cha mẹ của bé không hề hay biết. Đến khi Ch. nghỉ hè, ở nhà cô bé thường buộc tóc lên cao thì bố mẹ mới phát hiện cột sống của con có dấu hiệu bất thường và đưa đi khám. Qua hình ảnh trên phim chụp X-quang, cột sống của bé hiện rõ hình chữ S. Các bác sĩ cho biết, cột sống của Ch. bị lệch đến 64 độ và phải tiến hành phẫu thuật. Sau mổ, dự kiến bé sẽ cao thêm trung bình 4cm.

Không riêng gì trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Hoàng Long, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức) cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm nghỉ hè là số lượng trẻ bị cong vẹo cột sống đến khám và điều trị gia tăng. Lý do là khi trẻ ở nhà thời gian dài, mặc đồ mỏng, đồ bơi, buộc tóc cao nên người lớn dễ quan sát, phát hiện bất thường ở cột sống của trẻ hơn. Thêm vào đó, có những trẻ được phát hiện tình trạng cong vẹo từ trước và chờ đến thời điểm nghỉ hè để điều trị hay phẫu thuật.

“Nguyên nhân gây cong vẹo cột sống chỉ 20% có căn nguyên, 80% không tìm thấy căn nguyên. Tình trạng cong vẹo cột sống thường được phát hiện ở tuổi dậy thì. Bởi vì vào thời điểm này, cột sống của trẻ biến dạng rất nhanh. Ước tính, có từ 2 đến 3% trẻ trong độ tuổi này có thể bị cong vẹo cột sống”, bác sĩ Nguyễn Hoàng Long lưu ý.

Cũng đề cập đến nguyên nhân gây cong vẹo cột sống ở trẻ, bác sĩ Tạ Ngọc Hà, Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho hay, cong vẹo cột sống vô căn là dạng phổ biến nhất, vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác nhưng có cơ sở do di truyền. Nghiên cứu cho thấy, khoảng 30% trẻ em mắc chứng vẹo cột sống đều có tiền sử gia đình mắc bệnh này. Vì vậy, đây được coi là yếu tố nguy cơ hàng đầu. Còn cong vẹo cột sống bẩm sinh, có thể do cấu trúc xương cột sống không hình thành đầy đủ hoặc không hợp nhất với nhau. Ngoài ra, còn có chứng vẹo cột sống thần kinh cơ. Tình trạng này thường liên quan trực tiếp đến các bệnh lý về dây thần kinh và cơ bắp. Chẳng hạn như chứng loạn dưỡng cơ, bại não… gây mất cân bằng, suy yếu cơ hỗ trợ cột sống.

“Một số nguyên nhân khác cũng có thể tác động trực tiếp, gây ảnh hưởng đến tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ, bao gồm: Chấn thương, mất cân đối chiều dài chân, nhiễm trùng, khối u, sai tư thế và mang ba lô nặng”, bác sĩ Tạ Ngọc Hà cho biết thêm.

Điều trị sớm, tránh tốn kém và biến chứng

Theo các chuyên gia y tế, việc điều trị phụ thuộc vào mức độ cong vẹo cột sống của trẻ. Nếu mức độ vẹo nhẹ dưới 20 độ, tiến triển ít, có thể theo dõi, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Với góc vẹo từ 20 đến 40 độ, bệnh nhân sẽ dùng áo nẹp chỉnh hình cột sống. Khi độ cong từ 40 đến 50 độ trở lên thì phải tiến hành phẫu thuật.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Long đưa ra cảnh báo, nếu phát hiện muộn, điều trị không đúng sẽ khiến tình trạng cong vẹo tiến triển. Khi cong vẹo từ 50 độ trở lên, khả năng điều trị không hiệu quả, bắt buộc phải phẫu thuật. Chi phí phẫu thuật hiện nay cũng cao, trên 100 triệu đồng tùy độ cong vẹo. Đặc biệt, vẹo cột sống nặng trên 100 độ sẽ ảnh hưởng tới tim, phổi, làm giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ. Do đó, các gia đình có con trong tuổi dậy thì cần tăng cường quan sát trẻ. Nếu thấy bất cứ biểu hiện gì bất thường, cơ thể không cân xứng… nên nhanh chóng đưa con tới cơ sở y tế để kiểm tra.

Bác sĩ Tạ Ngọc Hà chỉ dẫn, để nhận biết trẻ bị cong vẹo cột sống, phụ huynh để ý những dấu hiệu điển hình như: Vai nghiêng, không đều, một bên nhô cao hơn bên còn lại, hông bị lệch, vòng eo không đều. Tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ nếu không điều trị kịp thời có thể tiến triển thành nhiều biến chứng nghiêm trọng trong giai đoạn trưởng thành như: Lệch hông, giảm chiều cao, đau lưng, yếu cơ, mất khả năng vận động, đau chân. Thậm chí, khi bị vẹo nặng có thể gây ảnh hưởng đến chức năng tim, phổi.

Bác sĩ Tạ Ngọc Hà cũng đưa ra các giải pháp hữu ích giúp phòng ngừa hiệu quả tình trạng trẻ bị vẹo cột sống, đó là tập thể dục đều đặn để tăng cường sức mạnh cho cơ lưng, cơ bụng, từ đó ngăn ngừa sự hình thành và tiến triển của chứng vẹo cột sống. Đồng thời, nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh để tăng mật độ xương; duy trì cân nặng hợp lý để tránh gây áp lực cho cột sống; thực hành tư thế đúng khi ngồi, đi, đứng, nằm… Khi bị cong vẹo cột sống, trẻ có thể tham gia hoạt động thể chất bình thường. Trên thực tế, hoạt động thể chất còn giúp thúc đẩy tính linh hoạt và sức mạnh cơ, xương, từ đó giúp cải thiện cơn đau lưng đáng kể. Một số bộ môn trẻ có thể tập luyện là bơi lội, thể dục dụng cụ… Tuy nhiên, nếu trẻ vừa trải qua phẫu thuật lưng, khi tham gia hoạt động thể thao cần tham khảo ý kiến bác sĩ để bảo đảm hồi phục hiệu quả, tránh rủi ro không mong muốn.

PV
Theo: hanoimoi
Spread the love
Back To Top