Các dự án xây dựng nhà máy mới, các thương vụ sáp nhập và mua lại, cũng như việc tài trợ các dự án trong năm 2023 đều giảm trên toàn thế giới.
Đồng 100 USD. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhận xét về tình hình đầu tư nước ngoài toàn cầu, nhật báo Les Echos (Pháp) cho biết các dự án xây dựng nhà máy mới, các thương vụ sáp nhập và mua lại, cũng như việc tài trợ các dự án trong năm 2023 đều giảm trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, xu hướng toàn cầu hóa cũng đang được điều chỉnh lại.
Tuy nhiên, theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn thế giới tăng 3% lên 1.370 tỷ USD vào năm 2023. Kết quả này càng đáng chú ý hơn vì trước đó 12 tháng, UNCTAD đã dự đoán về sự sụt giảm mạnh mẽ đầu tư do căng thẳng địa chính trị, lãi suất tăng và hậu quả của xung đột Ukraine.
Song, tình hình trên thực tế lại có sự khác biệt, nếu xem xét kỹ sẽ có thể thấy tình hình mỗi khu vực một khác, và bức tranh tổng thể chưa được sáng sủa. Thậm chí các thông tin về đầu tư quốc tế, đặc biệt là các dự án công nghiệp mới, việc tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng hay mua bán và sáp nhập xuyên biên giới, hầu hết đều ở mức thiếu lạc quan.
Cụ thể, ở Liên minh châu Âu (EU) đang chứng kiến một sự thụt lùi. Nếu loại trừ dòng tài chính đổ vào Luxembourg và Hà Lan, dòng vốn đầu tư trên toàn khu vực giảm 23%. Việc thành lập nhà máy mới giảm 23%. Tài trợ cho các dự án quốc tế cũng giảm 17% trong khi hoạt động mua bán và sáp nhập đã giảm 54%.
Mỹ cũng chứng kiến dòng vốn giảm 3%, số lượng dự án mới giảm 2% và các thỏa thuận tài trợ dự án giảm 5% trong năm ngoái. Ở những nơi khác, đầu tư vào các nước đang phát triển giảm 9% xuống còn 841 tỷ USD, với sự sụt giảm hoặc trì trệ ở hầu hết các khu vực.
Tuy vậy, vẫn có những điểm sáng ở từng khu vực. Nam Á có vẻ năng động hơn cả. Ngoài những con số tổng thể, số liệu thống kê cho thấy có sự định hình lại của toàn cầu hóa, gắn liền với những căng thẳng địa chính trị và sự đa dạng hóa của chuỗi sản xuất. Nếu 11 nước ASEAN ghi nhận FDI giảm 16% thì thực tế vẫn cho thấy khu vực này đang chứng tỏ sức hấp dẫn đối với đầu tư sản xuất. Năm 2023, số lượng dự án mới được công bố tăng 37% với tốc độ tăng trưởng mạnh ở Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Campuchia.
Tình hình tương tự đối với các nước Tây Á. Bán đảo Arập chứng kiến những bước nhảy vọt, nơi vốn FDI vẫn ổn định (tăng 2%) do sự năng động của đầu tư vào Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, nơi các dự án mới tăng 28%, đạt con số cao thứ hai sau Mỹ. Còn tại Saudi Arabia, các dự án mới này đã tăng 63%.
Về phần mình, Mexico đã củng cố được vị thế là sân sau của Mỹ kể từ khi nước này ghi nhận cả sự gia tăng về vốn FDI và các dự án nhà máy mới.
Mặc dù Trung Quốc được cho là ít được các nhà đầu tư quốc tế ưa chuộng hơn trước, nhưng nước này vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 8% về số lượng dự án mới. Còn Ấn Độ vẫn nằm trong Top 5 điểm đến toàn cầu cho các cơ sở nhà máy mới.
Xét về các lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư, có thể thấy ô tô, dệt may, máy móc và điện tử nổi bật. Tuy nhiên, các dự án xây dựng nhà máy mới trong lĩnh vực bán dẫn đã giảm 10% sau mức tăng trưởng mạnh vào năm 2022. Các dự án mới và thỏa thuận tài trợ cho các dự án quốc tế về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông vận tải, điện, nước và viễn thông, cũng giảm 4 %. Kết quả này phần lớn được giải thích bởi sự sụt giảm (-17%) nguồn vốn tài trợ cho các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đây là lần đầu tiên kể từ khi ký kết Hiệp định Paris năm 2015 tại Hội nghị COP21, lĩnh vực năng lượng tái tạo không hấp dẫn được các nhà đầu tư.