“Cơn lũ” dầu giá rẻ của Nga đang “càn quét” khắp thế giới và làm ảnh hưởng trực tiếp đến tham vọng của Ả Rập Xê Út.
Kể từ khi xung đột xảy ra, Ả Rập Xê Út liên tục mất thị phần ở Trung Quốc, thị trường năng lượng lớn nhất thế giới, khi Nga bán dầu với giá chiết khấu cao. Việc Ả Rập Xê Út cắt giảm sản lượng vào đầu tháng này không mang lại hiệu quả như mong muốn, đó là tăng giá dầu để bù đắp cho nhu cầu sụt giảm.
Những bất ổn ở Nga trong thời gian gần đây lại không có tác động nhiều đến ngành năng lượng của nước này. Tuy nhiên, giới đầu tư và phân tích vẫn theo dõi sát sao tình hình, vì có khả năng mối liên kết giữa Nga và OPEC sẽ bị phá vỡ.
Giờ đây, cuộc chiến giành thị phần ở Trung Quốc chính là một trong những “nguồn cơn” gây căng thẳng kéo dài giữa Nga và Ả Rập Xê Út.
Vào tháng 4, xuất khẩu dầu thô của Ả Rập Xê Út sang Trung Quốc tạm thời bị Nga vượt qua. Hiện tại, vị trí của 2 quốc gia này gần như ngang bằng nhau. Các nhà phân tích thì nhận định, nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đang dẫn trước và sẽ tăng khoảng cách giữa 2 nước trong vài tháng tới.
Hãng cung cấp dữ liệu hàng hóa Kpler cho biết, dầu của Nga hiện chiếm 14% nguồn cung của Trung Quốc, tăng từ 8,8% trước khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra. Thị phần của Ả Rập Xê Út thì giảm xuống 14,5% trong 3 tháng tính đến tháng 5.
Sự đảo ngược này thậm chí còn rõ ràng hơn ở Ấn Độ. Riyadh nắm giữ 13% thị phần, so với mức 20% trước xung đột. Hiện tại, Moscow chiếm khoảng 40% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ, từ mức 3% trước xung đột.
Ngoài ra, Moscow cũng tăng cường nhập khẩu từ Trung Quốc đối với các sản phẩm công nghệ như chất bán dẫn và vi mạch. Ấn Độ thì đang biến dầu thô giá rẻ nhập từ Nga thành dầu diesel giá cao bán sang châu Âu – nơi họ thay thế các sản phẩm tinh chế để lách các lệnh trừng phạt.
Trong khi đó, Trung Quốc tích trữ ngày càng nhiều dầu giá rẻ của Nga, để phòng trước hợp nền kinh tế bứt tốc và giá cả tăng cao hơn. Theo hãng phân tích dữ liệu dầu mỏ Refinitiv Eikon, Bắc Kinh đã bổ sung khoảng 1,77 triệu thùng dầu/ngày vào kho dự trữ trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 7/2020.
Giờ đây, “cơn lũ” mang tên dầu giá rẻ của Nga đang khiến giá dầu toàn cầu hạ nhiệt, làm ảnh hưởng đến khả năng tài trợ các dự án trong nước của Ả Rập Xê Út. Việc mất đi thị phần cùng giá không tăng như mong đợi là cú sốc kép đầy đau đớn với đại gia dầu mỏ này.
Ole Hansen, trưởng nhóm chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo của Đan Mạch, nhận định: “Cắt sản lượng thì dễ, nhưng Ả Rập đang nhường lại thị phần cho các quốc gia khác như Nga.”
Ông nói thêm, cho đến nay, kế hoạch của Ả Rập Xê Út dường như đã thất bại. Tuy nhiên, Hansen lưu ý, nhu cầu của Trung Quốc trong quý III có thể sẽ đẩy giá dầu lên cao hơn và “tiếp sức” cho động thái giảm sản lượng của Ả Rập Xê Út.
Một số quốc gia OPEC cho rằng Fed có nhiều quyền lực hơn đối với thị trường dầu tương lai hơn là khối này. Việc Fed tăng lãi suất khiến đồng USD mạnh lên và gây áp lực cho giá cả.
Dù giới chuyên gia dự đoán Nga sẽ bán dầu giá chiết khấu quy mô toàn cầu trong lâu dài, nhưng sản lượng của nước này sẽ giảm mạnh trong những năm tới, do ít được đầu tư và thiếu công nghệ của phương Tây.
Quyết định cắt giảm sản lượng của Ả Rập Xê Út được đưa ra ngay sau khi giá bán chính thức với dầu thô được vận chuyển vào tháng 7 tăng lên. Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu ở châu Á kỳ vọng giá sẽ giảm. Động thái này buộc các nhà máy lọc dầu châu Á giảm mua dầu từ Ả Rập và tìm kiếm nguồn cung giá rẻ hơn.
Tuy nhiên, các hợp đồng tương được giao trong 1 năm kể từ hiện tại đang giảm từ 74 USD/thùng xuống 72 USD. Xu hướng này được gọi là “bù hoãn bán.”
Một số quan chức lập luận rằng chiến lược của Ả Rập có thể sẽ thất bại vì họ không thể kiểm soát thị trường tương lai vốn được vận hành bởi các thuật toán. Theo các quan chức, Trung Quốc trước đây đã giảm nhập khẩu và sử dụng hết kho dự trữ khi giá dầu tăng quá cao. Điều này có thể sẽ diễn ra tương tự.
Trước khi phần lớn bị cấm nhập khẩu vào EU, dầu thô Ural của Nga thường được vận chuyển về phía tây từ biển Baltic và biển Đen. Tuyến đường biển dài hơn đến châu Á thường ít được chú ý hơn so với dầu thô từ Trung Đông, vốn chỉ mất 1 nửa thời gian để đến vùng Viễn Đông.
Cơ quan định giá Argus Media cho biết, một lô hàng Ural từ biển Baltic có giá vận chuyển là 6 USD/thùng, gấp đôi so với dầu cùng loại vận chuyển từ Vịnh Ba Tư. Theo IEA, sự chênh lệch này được Nga bù đắp rất nhiều từ việc hạ giá 26 USD/thùng đối với các lô này.
Với Nga, việc thị phần tăng lên lại đi kèm với điểm yếu là giá giảm mạnh. Doanh thu của nước này đối với dầu xuất khẩu đã giảm 1,4 tỷ USD xuống còn 13,3 tỷ USD vào tháng 5 so với tháng trước, cùng thời điểm giá dầu quốc tế đi xuống.