Vượt mặt USD, nhân dân tệ trở thành ngoại tệ phổ biến nhất ở Nga

Do các biện pháp trừng phạt từ phía phương Tây nhắm vào hệ thống tài chính của Nga, khối lượng giao dịch bằng đồng nhân dân tệ tại nước này đã tăng mạnh.

Nhân dân tệ trở thành ngoại tệ phổ biến nhất tại Nga

Theo Bloomberg, một năm sau khi Moscow phát động cuộc chiến ở Ukraine, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều nhất tại Nga, thay cho đồng USD.

Theo dữ liệu được Bloomberg tổng hợp, đồng tiền của Trung Quốc lần đầu vượt đồng bạc xanh về khối lượng giao dịch hàng tháng tại Nga vào tháng 2. Và mức độ chênh lệch đã trở nên rõ rệt hơn trong tháng 3.

Trước khi Nga đổ quân vào Ukraine, kéo theo hàng loạt lệnh trừng phạt từ phía phương Tây, khối lượng giao dịch của đồng nhân dân tệ trên thị trường Nga là không đáng kể.

Soán ngôi USD

Trong năm nay, các biện pháp trừng phạt bổ sung đã được đưa ra. Ngay cả những ngân hàng ở Nga, vốn vẫn thực hiện các giao dịch quốc tế bằng USD và những loại tiền tệ của các quốc gia bị coi là “không thân thiện” khác, cũng bị ảnh hưởng.

Raiffeisen Bank International là một trong các nhà băng có chi nhánh ở Nga vẫn còn hoạt động thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, họ đang gánh chịu sức ép ngày càng gia tăng từ giới chức châu Âu và Mỹ.

Sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, việc Mỹ “vũ khí hóa” đồng USD đã giúp nhân dân tệ hưởng lợi. Đồng tiền của Trung Quốc trở thành giải pháp thay thế cho việc thanh toán và dự trữ.

      Việc Mỹ dễ dàng “vũ khí hóa” đồng USD khiến nhiều quốc gia tìm đến những giải pháp thanh toán và dự trữ mới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ lâu đã muốn gia tăng sức ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ. Nhưng ông cần sự tham gia của các nước lớn trên toàn cầu để thực hiện hóa tham vọng này.

Trước đây, có rất ít lý do để các chính phủ tìm tới những đồng tiền khác thay thế USD. USD vẫn tham gia vào phần lớn giao dịch ngoại hối và hoạt động kinh tế mỗi ngày trên toàn cầu.

Nhưng giờ đây, thế giới đã nhận ra những điều bất tiện khi sử dụng và nắm giữ USD. Ngoài lãi suất thấp, các sự kiện liên quan tới xung đột Nga – Ukraine cho thấy đồng bạc xanh vẫn có thể gặp rủi ro trong khủng hoảng, vốn là thời điểm một khoản dự trữ phát huy tác dụng nhất.

Đồng tiền thân thiện

Nga đã tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc sau khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2 năm ngoái khiến mối quan hệ với phương Tây rạn nứt.

Hồi tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới Moscow sau khi tái đắc cử, và hứa hẹn với Điện Kremlin sẽ mở rộng hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng, siêu dự án, năng lượng và công nghệ cao.

Các biện pháp trừng phạt nhắm vào hệ thống tài chính của Nga đã buộc Điện Kremlin và doanh nghiệp Nga phải chuyển từ đồng USD và euro sang những ngoại tệ khác.

Đầu năm nay, Bộ Tài chính Nga đã chuyển đổi các hoạt động thị trường từ USD sang nhân dân tệ. Tỷ lệ nhân dân tệ tối đa trong quỹ tài sản quốc gia tăng lên tới 60%.

Ngân hàng Nga thường xuyên kêu gọi các công ty và người dân chuyển tài sản của họ sang đồng ruble hoặc những loại tiền tệ “thân thiện” khác nhằm tránh rủi ro bị trừng phạt hoặc đóng băng tài sản.

Dù vậy, theo dữ liệu Bloomberg, mãi tới gần đây, đồng bạc xanh mới mất vị thế ngoại tệ phổ biến nhất tại Nga.

“Giờ đây, khối lượng giao dịch bằng đồng USD ít hơn do giá dầu và xuất khẩu sụt giảm đã kéo tụt doanh thu”, Bloomberg dẫn lời chiến lược gia Iskander Lutsko tại ITI London nhận định.

“Đồng thời, dòng chảy hàng hóa từ Nga sang Trung Quốc đã tăng 29%, dù hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vẫn đang bị đình trệ”, vị chuyên gia nói thêm.

Theo: Zing news

Spread the love
Back To Top