Đội tuyển Việt Nam chấp nhận thua để được thắng?

Thái Lan quyết định đưa nhiều cầu thủ U23 sang châu Âu thi đấu giao hữu và họ vừa nhận một trong những trận thua lớn nhất lịch sử với tỷ số 0-8 trước Georgia, đội bóng tầm trung bình kém của bóng đá châu Âu. Trong khi đó, đội tuyển Việt Nam cũng với thành phần nhiều cầu thủ trẻ vừa thua liên tiếp 2 trận giao hữu trước Trung Quốc và Uzbekistan với cùng tỷ số 0-2.

Những gì diễn ra ở 2 trận giao hữu vừa qua, và có thể sắp đến với Hàn Quốc, đội còn mạnh hơn nữa, chỉ là một phần trong cái lộ trình đầy giông bão mà HLV Philippe Troussier đã chọn. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy có cùng một cách tiếp cận ở giải U23 quốc tế Doha ở Qatar, đến ASIAD19 tại Trung Quốc và bây giờ là 3 trận giao hữu trên đất khách. Bảo ông Troussier muốn thua trận thì phi lý, nhưng rõ ràng chúng ta dường như chọn cách khởi đầu cho tham vọng World Cup bằng những thất bại. Chấp nhận điều đó và học được từ những thất bại đó, mới là mục đích.

Tất nhiên là một HLV lão luyện như Troussier biết rằng đó là phương pháp quá nhiều rủi ro, nhưng không thử thì không được. Chúng ta đã có cách tiếp cận an toàn hơn dưới thời HLV Park Hang Seo, thậm chí về mặt chuyên môn, lối chơi phòng ngự phản công phù hợp hơn với bóng đá Việt Nam nếu xét trên tổng thể mặt bằng của nền bóng đá.

Vấn đề nằm ở chỗ, chơi theo cách như vậy có thể chúng ta sẽ không thua, hoặc thua “ở thế ngẩng cao đầu” với tỷ số có cách biệt nhỏ. Nhưng rõ ràng, với lối đá ấy thì cơ hội chiến thắng, và quan trọng hơn, là thắng được nhiều trận để giành vé đến World Cup thì gần như không thể. Có quá ít % cơ hội để làm được điều đó, mà bằng chứng là tại vòng loại cuối cùng của World Cup 2022 chúng ta đã đạt đến đỉnh cao của lối chơi ấy, đã tối đa nguồn lực, mà cũng không đi được đến đâu cả.

Thử nghiệm những nhân tố mới như Việt Hưng (áo trắng) là ưu tiên của HLV Troussier hiện tại. Ảnh: Đoàn Nhật

HLV Troussier cũng chẳng phải là “Thầy phù thủy” để chỉ cần đổi tư tưởng chơi bóng thì mọi thứ sẽ khác. Và cũng không có gì bất ngờ khi dư luận đang muốn đội tuyển quay về lối chơi cũ dưới thời thầy Park. Chiếc ghế của HLV Troussier chắc chắn cũng lung lay dữ dội nếu đội tuyển để thua nặng Hàn Quốc, đội vừa đánh bại Tunisia đến 4-0.

Nhưng như đã thấy, Thái Lan giờ cũng đã thay đổi. HLV Polking của họ cũng chẳng còn chọn lựa nào khác ngoài việc phải đối đầu với các đội bóng lớn hơn để… thua đậm hơn. Việc nâng số lượng suất dự World Cup mở ra cơ hội lớn cho ít nhất 4 đội bóng Đông Nam Á để trở thành đại diện đầu tiên đến với ngày hội vĩ đại ấy.

Hoàn cảnh đã thay đổi, việc chiến thắng các đối thủ cùng khu vực tại AFF Cup chẳng còn quan trọng nữa, mục tiêu phải là đánh bại các đội nằm trong Top 10 châu Á. Thái Lan đi một bước xa, cọ xát với các đội châu Âu còn Việt Nam thì có phương thức trực diện hơn, đó là đá với chính những đội xếp trên mình. Sẽ không có gì ngoài các thất bại. Nói đúng hơn, thắng các trận giao hữu này không hữu ích bằng việc thua họ và tìm hiểu vì sao chúng ta thua để khi gặp lại, mới có cơ hội thắng.

Bằng góc nhìn đó, trận đấu với Hàn Quốc sắp tới sẽ rất đáng xem. Cần lưu ý rằng, ngoài những lần gặp nhau ở các trận chính thức, việc được đá giao hữu với Hàn Quốc ở FIFA Days nếu không nhầm thì chưa từng xảy ra. Thành thử, với Hàn Quốc thì đây có thể chỉ là một trận đấu tập, nhưng với đội tuyển Việt Nam thì đây còn hơn cả một trận đấu giải chính thức.

Nhưng, đó cũng chỉ là lý thuyết. Vì nói cho cùng, chẳng ai muốn thất bại và nếu cứ phải thua quá đậm, thua mà không thể tạo ra được một triển vọng chiến thắng nào, thì có muốn rút ra bài học cũng chưa chắc đã được. Hy vọng là ông Troussier cũng đã lường được yếu tố này. 

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top