BĐS công nghiệp ra sao trước thuế tối thiểu toàn cầu?

Việc áp thuế tổi thiểu toàn cầu được cho là sẽ dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản công nghiệp trở nên ít sôi động hơn, do các tập đoàn lớn trở nên cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng việc đầu tư tại Việt Nam.

Thị trường sẽ ít sôi động hơn

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có 563 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch tại 61/63 tỉnh thành; 397 khu công nghiệp được thành lập; 292 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt hơn 87.000ha, diện tích đất công nghiệp khoảng hơn 58.000ha. Ngoài ra, có 106 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng mà diện tích đất công nghiệp ước tính 23.800ha.

Còn theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tính hết quý I/2023, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cấp 1 trên cả nước tiếp tục xu hướng tăng, đạt mức trên 80%. Dẫn đầu là khu vực phía Nam với tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 85%. Còn nhìn chung, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại thị trường trọng điểm phía Bắc, phía Nam đều duy trì trên 90% trong năm 2022. Một số khu công nghiệp tại Hà Nội, TP. HCM, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương còn lấp đầy gần như hoàn toàn.

Dù được xem như “điểm sáng” hiếm hoi của thị trường, song bất động sản công nghiệp dần xuất hiện loạt thách thức. Trong đó “lực cản” lớn nhất phải kể đến là thuế tối thiểu toàn cầu. Đây là một trong hai trụ cột chính của chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận.

Mức thuế tối thiểu được áp dụng là 15%, đối với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (tương đương 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất. Chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu được yêu cầu áp dụng ngay từ ngày 1/1/2024. Theo đánh giá của các chuyên gia, mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% sẽ gây ra nhiều mối lo về xu hướng xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư, cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia cũng như chiến lược thu hút FDI nếu chậm ứng phó.

Theo số liệu mới nhất, hiện Việt Nam có khoảng 335 dự án có số vốn đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp, trong đó thường là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron…

Trao đổi với Đầu tư Tài chính về vấn đề này, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, cho rằng việc tăng thuế có thể làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam, bởi những nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam thông qua việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ mất đi tác dụng. Bất động sản công nghiệp vì thế cũng sẽ bị tác động từ loại thuế này.

Đồng quan điểm, ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, bộ phận dịch vụ công nghiệp Savills Hà Nội, nhấn mạnh việc áp thuế tổi thiểu toàn cầu sẽ dẫn đến tình trạng thị trường trở nên ít sôi động hơn. Các tập đoàn lớn cũng trở nên cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư trong bối cảnh kinh tế – chính trị toàn cầu có nhiều biến động.

Tuy nhiên, ông Thomas Rooney cũng lưu ý đây chỉ là vấn đề thời gian. Doanh nghiệp cần thêm thời gian để cân nhắc và quyết định. Và vẫn phải khẳng định, các yếu tố nền tảng về kinh tế, nhân khẩu học, nguồn lao động của Việt Nam vẫn được đánh giá rất cao. Đây cũng chính là sức hút chính thuyết phục nhà đầu tư tới thị trường. Mặt khác, mặc dù vốn đầu tư điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ; tuy nhiên, số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng mạnh hơn. Điều này đã phần nào khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.

Mang tính cạnh tranh nhưng là cơ hội vô giá

Ở góc độ là một nhà đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, nhìn nhận việc thực hiện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ khiến tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ông Phương cho rằng Chính phủ cũng đang có những động thái tích cực chuẩn bị những kế sách để ứng phó. Do vậy, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp – đối tượng chịu tác động trực tiếp, cũng cần phải có sự chủ động trước thách thức mới này.

Theo ông Phương, việc quan trọng nhất là cần đầu tư và hoàn thiện hơn nữa chất lượng hạ tầng khu công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại và cung cấp được nhiều tiện ích nhất cho nhà đầu tư. “Việc gia tăng càng nhiều lợi thế cho khu công nghiệp sẽ càng làm tăng sức hút đầu tư một cách bền vững. Ưu đãi về thuế chỉ là một trong những yếu tố để họ đánh giá và đưa ra quyết định đầu tư. Nhà đầu tư luôn ưu tiên lựa chọn một điểm đến an toàn, ổn định để đảm bảo dự án của họ được triển khai thuận lợi, bảo toàn được vốn và gia tăng lợi nhuận”, ông Phương nhận định.

Trước những tác động của thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng vào năm 2024, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, khẳng định nếu Việt Nam không có những giải pháp ứng phó kịp thời, những lợi ích mang lại từ các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà các dự án được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn. Đồng thời, điều này cũng ảnh hưởng đến tính hấp dẫn và lợi thế cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài cũng như ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án.

“Nếu áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu ngân sách nhà nước. Trường hợp Việt Nam không thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung thì toàn bộ số thu được ưu đãi cho các doanh nghiệp hiện tại sẽ được các nước phát triển có doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của các nước đó…”, ông Minh lưu ý.

Bên cạnh những thách thức, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu lại được coi là thời cơ để Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI. Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), cho rằng với việc nhiều năm thu hút đầu tư FDI bằng nhiều ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi thuế, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu khi có hiệu lực thì sự hấp dẫn về chính sách ưu đãi đầu tư sẽ bị giảm và có những ảnh hưởng trước mắt.

“Nhưng nhìn rộng ra thì đó cũng là thời cơ vô giá cho Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI. Khi đó, mô hình kinh tế truyền thống sẽ chuyển sang kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và bền vững. Môi trường kinh doanh ổn định, khu vực kinh tế FDI sẽ đóng góp lớn hơn vào nền kinh tế”, ông nói.

Theo: Vietnamfinance.vn
Spread the love
Back To Top