ĐBSCL nuôi tôm công nghệ cao hướng đến bền vững và hiệu quả

Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nuôi tôm và chế biến các sản phẩm từ tôm, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm 95% sản lượng tôm.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Ngày 23/6, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu diễn ra Diễn đàn Tôm Việt 2023 – lần thứ 8 với chủ đề: “Nuôi tôm công nghệ cao – Hướng đến bền vững và hiệu quả”. Sự kiện do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Cục Thủy sản, Hội Thủy sản Việt Nam, WWF Việt Nam, Hiệp hội Tôm tỉnh Bạc Liêu tổ chức thu hút sự tham dự của lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến trong lĩnh vực thủy sản và trên 300 hộ nuôi tôm tại tỉnh Bạc Liêu.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng, đây là dịp thuận lợi để Bạc Liêu có thể trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và các công nghệ mới trong nuôi tôm, hướng đến việc sản xuất hiệu quả góp phần vào phát triển ngành tôm của tỉnh.
Ông Phạm Văn Thiều cho biết, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ cho phép Bạc Liêu xây dựng đề án Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án từ năm 2020. Đến nay, tỉnh đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, khẳng định việc xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước là hoàn toàn khả thi và có ý nghĩa to lớn cả về trước mắt lẫn lâu dài.
“Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm của Bạc Liêu phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tỉnh hiện có 25 công ty và trên 800 hộ dân thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích trên 4.600 ha và 5 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thông tin.
Theo Cục Thủy sản, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nuôi tôm và chế biến các sản phẩm từ tôm, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm 95% sản lượng tôm và cũng là trung tâm của các nhà máy chế biến tôm. Năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021.

Doanh nghiệp giới thiệu những công nghệ mới phục vụ cho nghề nuôi tôm. Ảnh: TTXVN 

Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới (sau Ấn Độ và Ecuador) về xuất khẩu tôm, trung bình 5 năm qua xuất khẩu tôm của nước ta tăng trưởng 5% mỗi năm. Các thị trường chính của tôm Việt Nam vẫn là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Tại diễn đàn các đại biểu đã cùng nhau thảo luận chia sẻ những khó khăn thách thức đối với ngành tôm Việt Nam chủ liên quan đến tác động của biến đối khí hậu, ô nhiễm môi trường; chi phí đầu vào ngày càng gia tăng, trong khi giá tôm sụt giảm đang là những diễn biến bất lợi đối với ngành tôm.
Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, có loại giảm 30%-40% so với tháng 2-3/2023. Trong bối cảnh như vậy, giá nguyên liệu đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi tăng cao (hơn 20%-30%) so với gia tôm cùng loại của Ecuado và Ấn Độ khiến cho thu nhập của người nuôi ngày càng giảm, nhiều trường hợp rơi vào tình trạng thua lỗ.
Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu kiến nghị, các Ngân hàng cần nhanh chóng giải ngân gói hỗ trợ 10 ngàn tỷ đồng cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm của Chính phủ để đẩy mạnh thu mua nhằm nâng giá tôm trở lại. Đồng thời, đề nghị ngành chức năng tăng cường quản lý các mặt hàng thức ăn, thuốc thú y thủy sản, tôm giống, hạn chế thấp nhất tình trạng hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, gây thiệt hại cho người nuôi.
Dưới góc độ của cơ quan chuyên môn, Chi Cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu đánh giá, việc phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao như hiện nay cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội nhưng luôn đặt ra vấn đề về “lợi ích kinh tế và vấn đề bảo vệ môi trường”.
Nếu như chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà vấn đề về ô nhiễm và xả thải ra môi trường trường không được xử lý thì sẽ trở thành vấn đề lớn trong tương lai, đặt biệt là đối với lĩnh vực nuôi tôm, phải sử dụng và phụ thuộc vào nguồn nước. Vì vậy, nuôi tôm công nghệ cao thời gian tới phải hướng đến hiệu quả bền vững cả về kinh tế và môi trường.
Chi Cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu đề xuất giải pháp tăng cường phối hợp với Viện, Trường triển khai, ứng dụng quy trình, công nghệ nuôi, bảo vệ môi trường hiệu quả, phù hợp, tiết kiệm; tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường ở các tuyến kênh trọng điểm, tuyến kênh đầu nguồn; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát chất lượng thức ăn, hóa chất, vật tư nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, thực hiện tốt công tác thông tin, dự báo về thị trường, giá cả, những cảnh báo về rào cản kỹ thuật, thương mại của các nước nhập khẩu. Đồng thời, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo xây dựng Quy trình kỹ thuật nuôi, xử lý chất thải trong nuôi tôm siêu thâm canh hiệu quả, tiết kiệm.
Ban tổ chức đánh giá, thành công của Diễn đàn Tôm Việt 2023 – lần thứ 8 với chủ đề: “Nuôi tôm công nghệ cao – Hướng đến bền vững và hiệu quả” là các đại biểu đã chia sẻ những khó khăn, thách thức trong nuôi tôm tại Việt Nam nói chung, nuôi tôm công nghệ cao nói riêng. Chia sẻ các giải pháp khoa học, kỹ thuật giúp giảm dịch bệnh, giảm giá thành và ổn định sản xuất trong nuôi tôm công nghệ cao tại Việt Nam. Cùng với đó, thông qua đối thoại, thảo luận đề xuất các giải pháp tháo gỡ thị trường tôm Việt Nam trong năm 2023 cũng như những năm tiếp theo…/.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top