Doanh nghiệp xuất khẩu không nên bỏ qua thị trường ngách

Doanh nghiệp xuất khẩu ngoài tìm kênh phân phối lớn cần tìm đến các thị trường ngách để xuất khẩu vì khi các nhà phân phối lớn giảm nhu cầu sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị đứt gãy.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023 chiều ngày 31/7- Ảnh: Báo Công Thương

Báo cáo của Bộ Công Thương đưa ra tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023 chiều ngày 31/7 cho biết trong 7 tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện nay, nhiều ngành hàng gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, máy móc, điện thoại và linh kiện… với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU… có mức sụt giảm nhiều nhất. 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu dệt, may đạt 18,9 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu giày, dép đạt 11,7 tỷ USD, giảm 17,1 so với cùng kỳ.

“Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều thách thức đặt ra cho ngành Công Thương, công tác xúc tiến thương mại tiếp tục được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả, góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lưu ý.

Doanh nghiệp xuất khẩu rất cần thông tin

Ông Trưởng Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định chúng ta đang ở trong môi trường biến động khó lường. Hiện 85% năng lực sản xuất của dệt may Việt Nam dành cho xuất khẩu, vì vậy ngành rất cần thông tin thị trường để ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Cũng với đề xuất tương tự, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam cho rằng những quy định mới và khó tại EU, Hoa Kỳ khiến doanh nghiệp trong nước rất lúng túng nên cần sự hỗ trợ thông tin và tham vấn chính sách của thương vụ. Do đó, việc chia sẻ thông tin thị trường sở tại nhanh và chính xác là rất quan trọng với doanh nghiệp.

Là ngành xuất khẩu mũi nhọn của đất nước, ngành gỗ sau 15 năm tăng trưởng dương, dự báo, năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đối diện với mức tăng trưởng âm.

“Kim ngạch xuất khẩu gỗ sụt giảm mạnh sau nhiều năm tăng trưởng 2 con số. Để lấy lại tăng trưởng xuất khẩu cho ngành gỗ, cần sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, thương vụ trong việc tiếp thị sản phẩm gỗ của Việt Nam tìm kiếm thị trường, truyền tải thông điệp Việt Nam thực hiện mạnh mẽ cam kết cung cấp sản phẩm gỗ hợp pháp; chuẩn bị thực hiện nghiêm chỉnh quy định của EU”, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nêu ý kiến.

Ngành gỗ sau 15 năm tăng trưởng dương, dự báo, năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đối diện tăng trưởng âm – Ảnh minh họa

Vẫn có tín hiệu tốt từ các thị trường lớn

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, da giày Việt Nam ngày càng chiếm vị trí lớn tại EU. Năm 2016 Việt Nam xuất khẩu 3,3 tỷ USD sang EU, năm 2022 tăng lên 5,9 tỷ USD. 4 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu mặt hàng da giày sang thị trường này tăng cao. Tuy nhiên, xuất khẩu da giày của Việt Nam đang phụ thuộc vào một số nhãn hàng chính tại EU.

Với ngành hàng dệt may, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng. Việt Nam hiện đứng thứ 4 về thị phần dệt may tại EU (sau Trung Quốc, Băngladesh, Thổ Nhỹ Kỳ). Tương tự như da giày, dệt may Việt Nam có nhiều ưu đãi về thuế, do vậy có nhiều tiềm năng mở rộng xuất khẩu sang thị trường này.

Với ngành gỗ, năm 2022 Việt Nam xuất khẩu 57 triệu USD sang EU. Dù được hưởng nhiều ưu đãi tuy nhiên EU có yêu cầu cao và chặt chẽ liên quan đến môi trường cũng là thách thức cho doanh nghiệp ngành gỗ tăng xuất khẩu sang thị trường này.

“Thị trường EU đã và đang chuẩn bị ban hành nhiều quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, phát thải carbon, quyền sửa chữa và tái chế, nhân quyền, đạo luật chống phá rừng … Với các quy định này, điều lo ngại với doanh nghiệp Việt Nam là khó xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình do phía EU đòi hỏi phải có chuỗi thu mua, xử lý sản phẩm để tái chế”, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Quân, Hiệp định EVFTA giúp các ngành hàng dệt may, da giày, đồ gỗ của Việt Nam tăng xuất khẩu vào EU. Mặt khác, EU cũng đang chuyển mạnh sang kinh tế tuần hoàn, nên doanh nghiệp trong nước cần chuyển đổi bởi khi các quy định đi vào thực thi sẽ ảnh hưởng mạnh tới xuất khẩu của doanh nghiệp.


Đại diện các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham gia Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài

Ông Đỗ Mạnh Quyền, Trưởng Chi nhánh Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn của các sản phẩm, gỗ, dệt may, da giày, tuy nhiên gần đây hoạt động này đang sụt giảm tương đối lớn.

“Để lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu cho các mặt hàng tỷ USD, doanh nghiệp cần xác định lại chiến lược kế hoạch sản xuất kinh doanh nội địa, xác định rõ thị trường và sản phẩm, đẩy mạnh tìm hiểu các quy định, rào cản xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, đồng thời cải thiện chất lượng hoá cũng như công nghệ sản xuất”, ông Đỗ Mạnh Quyền nêu.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Mạnh Quyền khuyến nghị doanh nghiệp ngoài tìm kênh phân phối lớn, cần tìm đến các thị trường ngách để xuất khẩu bởi các nhà phân phối lớn có trở ngại là khi họ giảm các nhu cầu sẽ ngắt kết nối, khiến cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị đứt gãy. Đồng thời, các hoạt động xúc tiến thương mại nên tìm đến các doanh nghiệp, người địa phương để ký kết hợp đồng tư vấn nhằm có được cơ hội giải quyết hàng tồn kho, hàng lẻ.

Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức, tận dụng được những cơ hội hiếm hoi, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, đánh giá chính sách nước sở tại, từ đó kịp thời tham mưu cho Bộ Công Thương về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương.

Đồng thời, các Thương vụ cũng cần đưa ra khuyến cáo giúp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; tiếp nhận các ý kiến đề xuất của hiệp hội doanh nghiệp, địa phương để có kế hoạch hỗ trợ hiệp hội, địa phương trong công tác phát triển thị trường.

Thương vụ tăng cường phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu chú trọng nghiên cứu, phân tích chính sách, kịp thời đề xuất, khuyến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản kỹ thuật, phi thuế quan cho hàng khóa xuất khẩu. Phối hợp với các đơn vị có liên quan kịp thời hướng dẫn, định hướng thị trường, mặt hàng xuất, nhập khẩu, nhất là ở các thị trường trọng điểm, tạo điều kiện cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp; phối hợp với các cơ quan liên quan, có hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cục Xúc tiến thương mại tăng cường phối hợp với Vụ Thị trường ngoài nước, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp thông tin và dự báo xu hướng thị trường; tổ chức có hiệu quả công tác tư vấn, xúc tiến thương mại cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả.

Với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị cần chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực của mỗi đơn vị, chủ động chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp với xu hướng thị trường đặc biệt chuyển đổi xuất khẩu xanh, bền vững; tập trung cung cấp thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, trao đổi kịp thời với các đơn vị thuộc Bộ và các bộ ngành liên quan, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp thực hiện có hiệu quả.

Các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ quy định, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của bộ, ngành trong tổ chức sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và quy trình, quy định, yêu cầu, điều kiện của các thị trường ngoài nước.

Theo: baochinhphu.vn
Spread the love
Back To Top