Năm 2023, chính phủ Đức muốn tạm đình chỉ quy định “phanh nợ” thông qua tuyên bố là năm khẩn cấp do cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra.
Một phiên họp của Quốc hội Đức trong tháng 6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính phủ Đức chỉ còn vài ngày nữa để tìm ra giải pháp lấp lỗ hổng ngân sách ước tính khoảng 60 tỷ euro (65 tỷ USD) cho năm 2023 và 17 tỷ euro cho năm 2024, nếu muốn thông qua ngân sách quốc gia năm 2024 trước ngày 1/1/2024 mà không cần họp khẩn cấp.
Cuộc khủng hoảng ngân sách bùng nổ vào ngày 15/11, khi Tòa án Hiến pháp Đức tuyên bố việc chuyển khoản tín dụng 60 tỷ euro dùng cho đại dịch COVID-19 sang quỹ khí hậu là vi phạm luật pháp Đức về lấy thêm nợ mới.
Ngân sách sửa đổi sẽ phải được đưa ra Quốc hội trong phiên họp cuối cùng vào tuần tới trước Giáng sinh, nên trong tuần này, các bộ trưởng phải thống nhất về cách cân bằng ngân sách năm tới.
Trên thực tế, đây là một cuộc khủng hoảng chống nợ, xoay quanh những bàn cãi về một đạo luật của Đức, được gọi là “phanh nợ”, nhằm hạn chế số tiền vay mới mà chính phủ được phép thực hiện để giới hạn thâm hụt ngân sách ở mức 0,35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Luật này được ghi trong hiến pháp kể từ khi Thủ tướng Angela Merkel đưa ra năm 2009 và là vấn đề “đức tin” đối với phe bảo thủ, những người đã kiện vụ việc ra tòa.
Các ngoại lệ được cho phép bỏ “phanh nợ” là trong các trường hợp khẩn cấp quốc gia, chẳng hạn như đại dịch COVID-19. Chính vì vậy, việc Chính phủ sử dụng khoản nợ khẩn cấp còn sót lại sau đại dịch để chi tiêu cho các kế hoạch chuyển sang sử dụng năng lượng xanh bị coi là vi hiến.
Trong năm nay, chính phủ Đức lại muốn tạm đình chỉ quy định “phanh nợ” bằng cách tuyên bố năm 2023 là năm khẩn cấp do cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra bởi xung đột Nga-Ukraine, mặc dù điều này lại có thể bị toà án “thổi còi”.
Bài phát biểu trước Quốc hội rất được mong đợi của Thủ tướng Đức vào tuần trước chưa làm rõ được kế hoạch ngân sách cho năm 2024. Đằng sau hậu trường, ba đảng liên minh đã họp ngày đêm trong những ngày qua để đàm phán với hy vọng đạt được thỏa thuận. Giải pháp duy nhất là tăng thuế, cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thêm nợ. Nhưng ba đảng trong liên minh cầm quyền lại có quan điểm trái ngược nhau về việc vay và chi tiêu.
Đảng Dân chủ Tự do – FDP thân thiện với doanh nghiệp, điều hành Bộ Tài chính và nắm giữ hầu bao, luôn phản đối việc tăng thuế và khăng khăng muốn giữ “phanh nợ”. Trong khi đó, đảng Xã hội Dân chủ – SPD trung tả của Thủ tướng Scholz lại không muốn rút lại kế hoạch tăng chi tiêu xã hội đã hứa hẹn, còn đảng Xanh quyết tâm tăng cường đầu tư vào quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của Đức. Cho đến nay, rạn nứt trong liên minh đều được che đậy bằng cách ném tiền vào những mục đích quan trọng đối với mỗi bên. Nhưng cả ba đều có tỷ lệ tín nhiệm thấp trong các cuộc thăm dò và đã thất bại trong các cuộc bầu cử khu vực gần đây, khiến các nhà lãnh đạo đảng càng không muốn thỏa hiệp.
Tham vọng của đảng Xanh về bỏ “phanh nợ” sẽ khó được thông qua tại Quốc hội vì phải cần tới 2/3 số phiếu thông qua. Phe bảo thủ đối lập hiểu rõ điều này nên không có tâm trạng thỏa hiệp, và ngay cả đối tác liên minh tự do FDP cũng có thể không đồng ý. Nhưng có tin đồn rằng Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, người đã phải hủy chuyến đi tham dự Hội nghị COP28 để ở nhà thảo luận ngân sách, đang lên kế hoạch “lách” các quy định về vay nợ bằng cách yêu cầu miễn trừ đối với các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trong tương lai.