Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, làng nghề bánh tráng Hòa Nhơn (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) đang tất bật “chạy” đơn hàng phục vụ nhu cầu của thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Lượng hàng hóa tăng cao không chỉ đem lại niềm vui cho các chủ lò mà còn giúp nhiều lao động địa phương có nguồn thu nhập ổn định trước khi vui Xuân đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Hàng năm, trước thời thời điểm Tết Nguyên đán hơn 1 tháng, hàng trăm lò bánh tráng Hòa Nhơn lại đỏ lửa từ lúc “gà gáy” để cho ra lò những sản phẩm bánh tráng truyền thống của làng nghề. Ngày nay, nhiều gia đình mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư dây chuyền máy móc để tăng công suất tráng bánh phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Hiện tại là thời điểm sản xuất nhộn nhịp nhất trong năm của làng nghề bánh tráng Hòa Nhơn khi nhu cầu thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán tăng cao gấp nhiều lần những thời điểm khác trong năm. Đến với làng nghề sẽ cảm nhận được sự khẩn trương của các chủ lò, sự tấp nập của nhân công làm các công đoạn tráng bánh, phơi bánh, đóng gói bánh thành phẩm… Dù tất bật nhưng ai nấy đều rạng rỡ vì nghề truyền thống ngày càng phát triển và giúp bà con ổn định đời sống.
Ông Nguyễn Văn Lâu – hộ có thâm niên hơn 30 năm làm bánh tráng tại làng nghề cho biết: Từ những năm 80 của thế kỷ trước, bà con di cư từ Bình Định đến định cư tại xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn mang theo nghề truyền thống làm bánh tráng mà ông cha để lại. Trên vùng đất mới, trải qua nhiều khó khăn, thách thức nhằm duy trì nghề truyền thống, đến nay làng nghề làm bánh tráng Hòa Nhơn đã tạo dựng được thương hiệu, tìm kiếm được chỗ đứng riêng ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, từ những hộ tráng bánh nhỏ lẻ đã phát triển mở rộng quy mô hàng trăm hộ và không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa.
Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, lượng đơn hàng tăng cao nên lò đang chạy hết công suất để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ 4h sáng hàng ngày, gia đình đã bắt đầu công việc bằng công đoạn chuẩn bị nguyên liệu và các điều kiện để vận hàng lò tráng bánh; đến 5h gần 20 nhân công đến bắt đầu làm các công đoạn tráng, phơi bánh, thu bánh, đóng gói thành phẩm và kết thúc ngày làm việc vào khoảng 23 giờ. Đối với ngày bình thường lò tráng khoảng 5 tạ nguyên liệu nhưng thời điểm này, mỗi ngày tráng khoảng 1 tấn nguyên liệu. Dù khối lượng công việc rất lớn nhưng ai nấy đều vui mừng vì sản phẩm của làng nghề ngày càng được thị trường đón nhận, góp phần cải thiện đời sống kinh tế cho nhân dân địa phương. Ông Nguyễn Văn Lâu chia sẻ.
Chung niềm vui trên, anh Nguyễn Văn Ngọt cho biết: Trước đây gia đình rất khó khăn, sau khi được địa phương cho vay vốn đầu tư lò tráng bánh và được bà con làng nghề hỗ trợ, tập huấn khâu sản xuất, đến nay gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, từ năm 2017, gia đình đã đầu tư hệ thống máy làm bánh tráng, từ đó ổn định sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và thuê thêm nhân công tại địa phương để sản xuất.
Hiện nay, bánh tráng của làng nghề rất được thị trường rất ưa chuộng, dù tráng bằng máy hay thủ công đều có “bí quyết”, công thức riêng để tạo nên những sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm vừa mang đặc trưng riêng của làng nghề. Từ nay đến Tết Nguyên đán, dự kiến mỗi ngày gia đình sẽ tráng khoảng 6 đến 7 tạ nguyên liệu so với ngày bình thường là 2 đến 3 tạ, lò tráng bánh cũng hoạt động hết công suất để kịp thời giao hàng trước Tết Nguyên đán, phục vụ khách hàng.
Đang thoăn thoắt thực hiện công đoạn phơi bánh tráng, một người làm công tại lò bánh tráng bày tỏ: Các lò tráng bánh phải hoạt động từ rạng sáng nhằm kịp thời phơi bánh khi bắt đầu có ánh nắng mặt trời. Điều này vừa giúp tận dụng được thời gian phơi nhiều bánh vừa đảm bảo chất lượng bánh tráng. Thời điểm gần Tết Nguyên đán, khi các lò bánh tráng chạy hết công suất cũng là lúc bà con trong xã có được ngày công ổn định, mỗi ngày công làm tại lò bánh tráng được 200.000 đồng, đây là số tiền giúp bà con có thêm thu nhập trước thời điểm Tết Nguyên đán, phục vụ gia đình vui Xuân đón Tết đầm ấm hơn.
Hơn 20 năm làm nghề bánh tráng truyền thống thủ công, chị Trần Thị Hiền chia sẻ: Trước đây khi di cư từ Bình Định lên vùng đất mới làm kinh tế đời sống rất khó khăn. May mắn có nghề làm bánh tráng truyền thống do ông cha để lại đã giúp gia đình từng bước thoát nghèo, chăm lo cho các con ăn học và ổn định đời sống. Thời điểm giáp Tết Nguyên đán cũng nhận được nhiều đơn hàng, tuy nhiên do làm bánh bằng thủ công nên chỉ cố gắng hết sức, làm hết công suất nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết.
Bà con ở làng nghề đều mong muốn duy trì, xây dựng làng nghề làm bánh tráng ngày càng lớn mạnh, tạo dựng thương hiệu bền vững và truyền lại cho các thế hệ sau để phát triển làng nghề. Bánh tráng cũng là sản phẩm rất phổ biến trong mỗi gia đình người Việt, có thể làm nhiều món như nem rán, cuốn rau thịt… nhất là trong những ngày Tết, các món ăn được phối hợp cùng bánh tráng góp phần tạo nét độc đáo, phong phú trong ẩm thực của người Việt. Dù công việc ngày giáp Tết có phần vất vả hơn nhưng cũng rất vui mừng khi làng nghề truyền thống của ông cha được phát triển trên vùng đất mới và góp phần ổn định kinh tế cho người dân.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Bar Trần Thị Phương Lan cho hay: Hiện tại có hơn 100 hộ tham gia vào làng nghề sản xuất bánh tráng tại xã Ea Bar. Sau hàng chục năm hình thành và phát triển, làng nghề bánh tráng Hòa Nhơn đã có thương hiệu, thị trường tiêu thụ ổn định, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo từ nghề làm bánh tráng và giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Thời gian tới, Hội nông dân xã tiếp tục hỗ trợ người dân làng nghề trong khâu giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các hội chợ, giao lưu, xúc tiến thương mại của các huyện, tỉnh tổ chức. Đặc biệt, duy trì giới thiệu sản phẩm trên các gian hàng online của Hội nông dân tỉnh; tiếp tục vận dụng các nguồn vốn để hỗ trợ bà con, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo tham gia vào làng nghề để phát triển kinh tế.
Đồng thời, để phát triển làng nghề, trong thời gian tới địa phương cũng hướng dẫn bà con thành lập Tổ hợp tác liên kết trong sản xuất và đa dạng hóa các sản phẩm bánh tráng, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng, tiến tới làm các thủ tục để sản phẩm bánh tráng làng nghề Hòa Nhơn trở thành sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tại địa phương.