Bài 3. Khai thác Big data trong kinh doanh: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp

Từ những thập niên 80 của thế kỷ XX, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã chứng kiến sự thay đổi cán cân thương mại của các doanh nghiệp sản xuất, đóng gói, tiêu thụ mặt hàng tiêu dùng, với các doanh nghiệp bán lẻ. Bởi sự ra đời của máy quét tính tiền POS (point- of- sale), các doanh nghiệp bán lẻ đã tổng hợp được nguồn dữ liệu chi tiết về doanh thu bán hàng, thống kê được dòng sản phẩm tiêu thụ nhiều nhất, đo đếm được lòng trung thành của khách hàng đối với từng sản phẩm,… điều này giúp cho các doanh nghiệp lẻ có những nguồn thông tin quý giá về thị trường, xu hướng mua sắm của khách hàng, từ đó quyết định đến sự phát triển của nhiều doanh nghiệp sản xuất.

Vào những thập niên 90 của thế kỷ XX, lại một lần nữa ngành bán lẻ phát triển mạnh mẽ khi người dùng có thể mua hàng bằng chỉ những cú nhấp chuột qua website, điều này giúp các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến gia tăng lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống. Lại một lần nữa các doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi mô hình kinh doanh để tìm kiếm sự tồn tại của mình trên thị trường.

Bước vào thế kỷ XXI, đặc biệt trong thập kỷ thứ 3 này, thế giới chứng kiến sự thay đổi như vũ bão của công nghệ. Có thể nói, cuộc cách mạng kinh doanh trên nền tảng dữ liệu số tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của các doanh nghiệp. Các nguồn dữ liệu được tổng hợp từ các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, thiết bị điện tử thông minh hoặc do chính con người tạo ra. Nguồn dữ liệu số giúp các doanh nghiệp điều chỉnh lại mô hình kinh doanh một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Dữ liệu truyền thông , mạng xã hội giúp doanh nghiệp có cái nhìn rõ nét hơn về mối quan tâm của người dùng như sở thích, đam mê, mối liên hệ, thói quen hàng ngày, nhu cầu mua sắm,… dữ liệu từ các thiết bị thông minh cho doanh nghiệp biết được vị trí theo thời gian thực của một nhóm khách hàng cụ thể mà doanh nghiệp cần quan tâm để đưa sản phẩm đến gần khách hàng hơn. Dữ liệu do chính con người tạo  ra, thông qua việc dạy cho máy móc các nhu cầu, thói quen của khách hàng để từ đó tối ưu hóa việc chăm sóc, đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách tốt nhất.

Sức mạnh của Dữ liệu lớn (big data) có thể biến đổi cả doanh nghiệp hoặc cả một ngành hàng. Các doanh nghiệp thực hiện khai thác dữ liệu, đi kèm với phân tích chuyên sâu có thể chuyển đổi các quy trình kinh doanh then chốt của mình như: nguồn đầu vào – phát triển sản phẩm – sản xuất – phân phối – tiếp thị – quản lý giá và lợi nhuận – bán hàng – doanh số – vận hàng mạng lưới phân phối – nhân sự. Từ đó doanh nghiệp có thể khai thác các cơ hội tạo nguồn doanh thu bền vững.

Các nguồn dữ liệu cần thiết bao gồm:

Dữ liệu về khách hàng như: nhân khẩu học, hành vi, tâm lý mua hàng,…

Dữ liệu về tần suất giao dịch như: số liệu về mua các mặt hàng, các dòng sản phẩm, sản phẩm bị trả lại,…

Dữ liệu liên hệ như: phản hồi của khách hàng, phương thức phản hồi trực tiếp, qua email, điện thoại,…

Dữ liệu tiếp thị sản phẩm như: mức chi tiêu cho chiến dịch quảng cáo, đối tượng khách hàng tiềm năng, tỷ lệ chuyển đổi ttừ khách hàng mục tiêu sang mua hàng,..

Một số bước đi hữu ích để có thể hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt nguồn dữ liệu lớn trong kinh doanh:

Xác định khách hàng mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, từ đó xác định mong muốn mà khách hàng cần được đáp ứng là gì? Tập trung xác định các giải pháp đáp ứng nhu cầu khách hàng. Do vậy, doanh nghiệp cần xây dựng bảng cấu trúc dữ liệu chi tiết để chuẩn bị thu thập thông tin.

Ngoài ra, cần rà soát toàn bộ nguồn tài sản dữ liệu mà doanh nghiệp hiện có. Khi nắm chắc dữ liệu đã có và doanh nghiệp biết mình có thể sở hữu thêm những nguồn dữ liệu sẽ giúp đơn vị có chiến lược bổ sung dữ liệu phù hợp từ các nguồn bên ngoài. Việc kết hợp phân tích tất cả các nguồn dữ liệu đã có để tổng hợp vào bảng cấu trúc dữ liệu chi tiết của doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả cao về khách hàng tiềm năng và hoạt động của thị trường.

Để tìm ra các phương thức khai thác chuyển hóa nguồn dữ liệu lớn (bigdata) thành dòng tiền, doanh nghiệp nên chuyển từ giai đoạn kinh doanh lấy sản phẩm làm trọng tâm, sang giai đoạn kinh doanh trên nền tảng công nghệ hoặc xây dựng hệ sinh thái trên nền tảng công nghệ. Cần chú ý một số nội dung sau:

– Thu thập thông tin khách hàng dựa trên những nhu cầu mà khách hàng đang cố gắng tìm kiếm, thay vì những nhu cầu khách hàng đang được đáp ứng.

– Đơn giản hóa phương thức mua sắm và thanh toán các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp thông qua nền tảng số.

– Việc so sánh chi phí luôn được khách hàng quan tâm, do đó, doanh nghiệp cần thường xuyên thông báo các chương trình khuyến mãi thông qua các nền tảng truyền thông, mạng xã hội thu hút sự chú ý.

– Có giải pháp chăm sóc bán hàng trên nền tảng công nghệ hợp lý, tránh gây phiền hà hoặc mất thời gian của khách hàng.

Những cạm bẫy cần chú ý trong quá trình ra quyết định của doanh nghiệp

Quá coi trọng hoặc coi nhẹ thông tin thu thập trước khi phát triển sản phẩm hay phát triển thị trường mới sẽ khiến doanh nghiệp lãng phí thời gian hoặc dữ liệu hoặc chi phí.

Định kiến và tư duy theo lối mòn là cạm bẫy cần tránh. Trong quá trình ra quyết định không nên chỉ dựa vào kết quả của cách thức kinh doanh truyền thống, mà cần dựa vào kết quả thu thập dữ liệu liên tục trong suốt quá trình kinh doanh và giải pháp kinh doanh mới.

Một số doanh nghiệp chưa đo lường hết các khoản chi phí chìm, dẫn tới “điểm hòa vốn” bị kéo dài hơn so với dự kiến. Bởi vậy, cần xây dựng kế hoạch kinh doanh chi tiết, dần loại bỏ chi phí chìm, đảm bảo rằng chỉ phát sinh thêm chi phí khi có mục tiêu gia tăng lợi nhuận mới./.

Nguyễn Bình
Theo: Thương gia & Thị trường
Spread the love
Back To Top