James Cameron, đạo diễn bộ phim bom tấn “Titanic”, cho biết ông nhìn thấy mối liên hệ giữa hai thảm kịch cách nhau 111 năm lịch sử.
Tàu lặn Titan lặn xuống biển vào sáng 18/6. Ảnh: D.M
Sau khi con tàu huyền thoại Titanic bị chìm trong chuyến đi đầu tiên qua Đại Tây Dương vào năm 1912, các chính phủ ở cả hai bờ đại dương đã xem xét kỹ lưỡng xem liệu có thể làm gì hơn để bảo vệ an toàn cho những chuyến tàu tương tự.
Kết quả là Công ước về An toàn Sinh mạng trên Biển (SOLAS) ra đời. Được thông qua vào năm 1914, khuôn khổ của nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay, với nhiều quy tắc được xây dựng trực tiếp dựa trên bài học từ thảm kịch Titanic.
Sau thảm kịch tàu lặn Titan mất tích và phát nổ khi tìm đến xác tàu Titanic trong tuần này, khiến cả năm người trên tàu thiệt mạng, các chuyên gia cho rằng cần một sự thúc đẩy mới đối với các quy tắc quản lý loại hình du lịch biển cao cấp, như đang được thực hiện bởi OceanGate Expeditions, công ty điều hành tàu Titan.
Con tàu không thể chìm
Khi Titanic khởi hành từ Southampton (Anh), nó là tàu biển lớn nhất thế giới, được chế tạo bằng công nghệ hàng hải tân tiến mà nhiều người cho rằng nó không thể chìm được.
“Ngay cả Chúa cũng không thể đánh chìm con tàu này”, là câu nói của một nhân viên White Star Line, chủ sở hữu của Titanic, khi tàu được hạ thủy vào năm 1911 – theo Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ.
Titanic có các cửa ngăn và tự động đóng kín nước, được cho là để đảm bảo hạn chế mọi sự cố thủng thân tàu và không gây nguy hiểm cho toàn bộ con tàu.
Người ta tin rằng các quy định an toàn thời đó không được cập nhật để bắt kịp với công nghệ.
Ai cũng biết rằng Titanic không có đủ xuồng cứu sinh. Một cuộc điều tra của chính phủ Anh, nơi Titanic đã ra khơi vào năm 1912, cho thấy tổng sức chứa thuyền cứu sinh của tàu chỉ đủ cho 1.178 người, chiếm gần 50% số người trên tàu.
Xác tàu Titanic huyền thoại. Ảnh: People
Nhưng các quy định vào năm 1894 của Anh quy định rằng các tàu chở khách lớn nhất chỉ cần có sức chứa xuồng cứu sinh là 990 người – theo một bài đăng của Thư viện Quốc hội Mỹ.
Bài đăng cho biết các cơ quan quản lý của Anh đã dựa trên không gian của xuồng cứu sinh và trọng tải choán nước của tàu, chứ không phải dựa trên số lượng hành khách trên tàu.
Ủy ban điều tra vụ chìm tàu Titanic của chính phủ Anh đã chỉ trích Ủy ban Thương mại của nước này, là cơ quan quản lý vận chuyển, vì đã không cập nhật các quy định.
Trong khi đó, một cuộc điều tra của Thượng viện Mỹ lưu ý rằng Washington chỉ chấp nhận các quy định hiện có của Anh. Các nhà điều tra nói rằng các giao thức như vậy nên được dừng lại và các tàu cập cảng Mỹ phải tuân thủ các quy định của Mỹ.
Rõ ràng, một tiêu chuẩn quốc tế cần phải được thiết lập và năm 1914, SOLAS đã được thông qua.
“Công ước SOLAS thường được coi là quan trọng nhất trong tất cả các điều ước quốc tế liên quan đến sự an toàn của tàu thương mại. Phiên bản đầu tiên được thông qua vào năm 1914, như một phản ứng trước thảm họa Titanic”, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) cho biết trên trang web của mình.
Công ước SOLAS, đã được cập nhật vào năm 1929, 1948, 1960 và 1974, nhằm khắc phục một số thiếu sót về an toàn và các quy định trong thảm họa Titanic. Chẳng hạn, hiện tại nó yêu cầu xuồng cứu sinh phải đủ cho 125% hành khách và thủy thủ trên tàu.
Công ước cũng quy định “các tiêu chuẩn tối thiểu đối với việc xây dựng, thiết bị và vận hành tàu, tương thích với sự an toàn của chúng”.
Đồ họa thảm kịch tàu lặn Titan. Khu vực các mảnh vỡ của Titan sau vụ nổ được tìm thấy cách xác tàu Titanic chưa đầy 500mét. Nguồn: Daily Mail
Các quy định SOLAS khác liên quan đến thảm họa Titanic bao gồm:
Các cuộc diễn tập trên tàu: Thuyền trưởng Titanic đã hủy bỏ một cuộc diễn tập vào ngày xảy ra vụ chìm tàu. Giờ đây, các tàu được yêu cầu phải diễn tập trong vòng 24 giờ sau khi rời cảng nếu 25% thủy thủ trở lên chưa từng diễn tập như vậy trong các hành trình trước đó.
Theo dõi vô tuyến: Vì tàu SS Californian gần đó không nghe thấy tín hiệu cấp cứu của tàu Titanic nên các tàu trên biển hiện được yêu cầu phải theo dõi các kênh cấp cứu 24/7.
Đội tuần tra băng quốc tế: Titanic bị chìm sau khi va phải một tảng băng trôi. Kể từ năm 1914, đội tuần tra đã theo dõi các tảng băng trôi ở Bắc Đại Tây Dương và cung cấp thông tin cho những người đi biển.
Bài học từ tàu lặn Titan
Các chuyên gia hàng hải và các nhà sử học đã lưu ý rằng hoạt động của tàu lặn Titan nằm ngoài các quy định được khởi sinh từ thảm họa Titanic.
Nhà điều hành của Titan, công ty OceanGate Expeditions, cho biết trong một bài đăng trên blog năm 2019 rằng chiếc tàu lặn này an toàn, nhưng những đổi mới được tích hợp trong nó vượt xa khả năng của các cơ quan quản lý chứng nhận chúng.
Ông Sal Mercogliano, giáo sư tại Đại học Campbell ở North Carolina và là một nhà sử học hàng hải, cho biết Titan cũng hoạt động trong vùng biển quốc tế và không được quản lý bởi “quốc gia treo cờ”, quốc gia mà nó được đăng ký.
Tàu lặn Titan mất tích ngày 18/6, và ngày 21/6 đã phát nổ trong lòng đại dương. Ảnh: D.M
“Các quốc gia treo cờ (như Anh đối với tàu Titanic) chịu trách nhiệm đảm bảo rằng các tàu mang cờ của họ tuân thủ các yêu cầu của quốc gia đó và một số giấy chứng nhận được quy định trong Công ước là bằng chứng cho thấy điều này đã được thực hiện”, IMO cho biết.
Tàu lặn Titan không cần tuân thủ các quy định an toàn vì nó hoạt động ở vùng biển quốc tế. Giáo sư Mercogliano nói: “Đó là một khu vực màu xám đang được phơi bày ra ánh sáng ban ngày”.
Mặc dù các nhà thám hiểm có thể vượt qua các giới hạn – thậm chí phá vỡ các quy tắc – vì những tiến bộ khoa học, các chuyên gia cho rằng nên có ngưỡng an toàn cao hơn đối với hành khách trả tiền, chẳng hạn như ba trong số 5 người thiệt mạng trên tàu Titan. Và chúng ta cần xem xét lại các quy tắc quốc tế để quản lý các cuộc thám hiểm như vậy, tương tự như các quy tắc đã được xem xét lại sau thảm kịch Titanic.
Per Wimmer, nhà thám hiểm người Đan Mạch cho biết: “Sự kiện Titanic hơn 100 năm trước đã thay đổi quy định. Rất có thể với việc tàu Titan phát nổ và việc thiếu một phần hoặc có lỗ hổng quy định về lặn ở các vùng biển quốc tế, đây có thể là chất xúc tác cho nhiều quy định hơn trong lĩnh vực tàu lặn”.
James Cameron, đạo diễn bộ phim bom tấn năm 1997 “Titanic”, đã thực hiện 33 lần lặn xuống xác con tàu cũng như những phần sâu hơn của đại dương trên con tàu Deepsea Challenger. Ông Cameron cho rằng bất kỳ ai lên phương tiện có liên quan nên đảm bảo rằng nó có thông qua chứng nhận an toàn của chính phủ.
Đạo diễn cho biết ông nhìn thấy mối liên hệ giữa hai thảm kịch cách nhau 111 năm lịch sử. “Tôi nghĩ có một sự trớ trêu lớn, gần như siêu thực ở đây, đó là Titanic bị chìm vì thuyền trưởng đã cho tàu chạy hết tốc lực lao vào một cánh đồng băng giữa ban đêm, vào một đêm không trăng với tầm nhìn rất hạn chế sau khi ông đã được cảnh báo nhiều lần”, ông Cameron nói, “Chúng tôi cũng đang thấy một sự tương đồng ở đây với những cảnh báo không được lắng nghe về một tàu lặn không được chứng nhận.”