Đằng sau động thái siết chặt nguồn cung dầu của Nga và Saudi Arabia

Thị trường dầu mỏ có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung nghiêm trọng do việc cắt giảm sản lượng kéo dài của các nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới là Saudi Arabia và Nga.

Nga và Saudi Arabia gần đây thường có các động thái “bắt tay” nhau để chứng tỏ quyền lực cũng như vai trò của những cường quốc năng lượng trên thị trường dầu mỏ thế giới. Ảnh: AP

Đầu tháng này, Nga và Saudi Arabia – hai nước dẫn đầu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) – cùng thông báo gia hạn các biện pháp siết nguồn cung dầu đến hết năm nay. Theo đó, Saudi Arabia tiếp tục giảm sản xuất, còn Nga hạn chế xuất khẩu. Thông báo này đã khiến giá dầu Brent lên trên 90 USD một thùng – cao nhất trong vòng 10 tháng.

Nguồn cung thắt chặt

Tình trạng căng thẳng nguồn cung dầu tiếp tục kéo dài sau khi Saudi Arabia và Nga tuyên bố gia hạn thời gian cắt giảm nguồn cung dầu thêm 3 tháng nữa. Cơ quan báo chí nhà nước Saudi Arabia công bố, quốc gia này sẽ giảm tiếp sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày cho đến tháng 12/2023. Động thái kể trên có thể khiến sản lượng giảm về mức khoảng 9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021.

Cùng chung chiến lược, Nga cũng có kế hoạch gia hạn cắt giảm khối lượng dầu xuất khẩu 300.000 thùng/ngày cho đến cuối năm. Trước đó, Nga tuyên bố giảm 500.000 thùng dầu/ngày cung cấp ra thị trường thế giới trong tháng 8, tương đương 5% sản lượng và 300.000 thùng/ngày trong tháng 9. Đồng thời, Nga cũng đang tiến hành giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày so với tháng 2 trong một cam kết chung đối với OPEC+, kéo dài đến cuối năm 2024.

Nga và Saudi Arabia hiện là hai trong số 3 nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới (sau Mỹ), với tổng thị phần khai thác chiếm khoảng 23% tổng sản lượng dầu thô toàn cầu. Đây cũng là hai quốc gia thành viên có tiếng nói quan trọng hàng đầu trong OPEC+.

Trước đó, trong báo cáo tháng 8, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo nguồn cung dầu thế giới đang đà sụt giảm. Cụ thể, tính đến hết tháng 7, dự trữ dầu của các thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã giảm 3 tháng liên tiếp, và thấp hơn khoảng 100 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm. 19 thành viên OPEC+ có hạn ngạch cũng đã chứng kiến sản lượng chung giảm 130.000 thùng/ngày trong tháng 8, với mức giảm lớn nhất trong số các thành viên OPEC đến từ Saudi Arabia và mức giảm lớn nhất từ các thành viên ngoài OPEC là Kazakhstan.

Trái lại với xu hướng thu hẹp của nguồn cung dầu, OPEC ước tính nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ tăng lên mức kỷ lục hơn 103,21 triệu thùng trong quý IV năm nay. IEA cũng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày, lên 102,2 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Điều này đồng nghĩa với việc cán cân cung cầu của thị trường càng có nguy cơ mất cân bằng sau đợt cắt giảm của Saudi Arabia và Nga mới đây.

Đằng sau động thái của Nga và Saudi Arabia

Vài năm trở lại đây, hai nước vẫn có các động thái “bắt tay” nhau để chứng tỏ quyền lực cũng như vai trò của những cường quốc năng lượng trên thị trường dầu mỏ thế giới. Hơn nữa, trước những diễn biến khó lường trên thị trường dầu mỏ toàn cầu vốn được đánh giá là hoạt động trái với các nguyên tắc cơ bản, các nỗ lực của Nga và Saudi Arabia được coi như một biện pháp phòng ngừa những rủi ro. Do đó, hai nước tiếp tục có động thái cắt giảm sản lượng trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại chi phí vay cao hơn ở Mỹ có thể cản trở tăng trưởng kinh tế, qua đó làm giảm nhu cầu tổng thể, trong đó có nhu cầu về dầu ở nền kinh tế số 1 thế giới này. 

Về mặt chiến lược, việc Nga, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 2 trên thế giới sau Saudi Arabia, quyết định cắt giảm xuất khẩu dầu thô được coi là một phản ứng đối với các hành động của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng đã chỉ ra “sự can thiệp vào động lực thị trường”, một cách diễn đạt của Nga để mô tả biện pháp áp trần giá dầu Nga mà phương Tây thực hiện. 

Hiện các đồng minh phương Tây do Mỹ đứng đầu tìm cách cô lập nền kinh tế Nga, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng, để phản ứng với chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva ở Ukraine. Một phần ba ngân sách nhà nước của Nga đến từ nguồn thu từ dầu mỏ, vì vậy áp trần giá sẽ tiếp tục xói mòn nguồn thu chính của Nga. Trong khi đó, phần còn lại của nền kinh tế Nga đang bị thu hẹp do các lệnh trừng phạt và sự rút lui của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.

Vì vậy, việc cắt giảm sản lượng dầu có thể giúp Nga hạn chế được tác động tiêu cực từ trừng phạt khi phương Tây gần đây thông qua một gói trừng phạt bao gồm áp trần giá dầu Nga. Việc giảm sản lượng dầu chắc chắn sẽ làm tăng giá trên thị trường. Đối với Nga, điều này sẽ có lợi vì giá dầu càng cao, Nga càng thu được nhiều ngoại tệ. Các nhà phân tích cũng cho rằng, giá dầu cao còn góp phần bù đắp phần lớn doanh thu của Nga do bị mất khách hàng phương Tây.

Với Saudi Arabia, Cơ quan báo chí Saudi Arabia dẫn lời một quan chức Bộ Năng lượng nước này cho biết: “Việc cắt giảm tự nguyện bổ sung này nhằm củng cố các nỗ lực phòng ngừa của các nước OPEC+ nhằm hỗ trợ sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ”. Mặt  khác, Saudi Arabia đặc biệt mong muốn tăng giá dầu để tài trợ cho Tầm nhìn 2030, một kế hoạch đầy tham vọng nhằm cải tổ nền kinh tế của mình, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và tạo việc làm cho dân số trẻ. Kế hoạch này bao gồm một số dự án cơ sở hạ tầng lớn, trong đó có việc xây dựng một thành phố tương lai trị giá 500 tỷ USD có tên Neom.

Cán cân cung cầu dầu dự kiến sẽ bị mất cân bằng trong thời gian tới. Ảnh:  ISTOCK

Gây áp lực lạm phát

Trong bối cảnh thị trường thắt chặt như đã nói ở trên, việc Saudi Arabia và Nga quyết định gia hạn các kế hoạch hạn chế nguồn cung đến hết năm nay có thể sẽ làm gia tăng tình trạng thiếu hụt trên thị trường “vàng đen” trong quý 4/2023, từ đó đẩy giá đi lên.

IEA cảnh báo rằng việc Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung bổ sung cho đến cuối năm 2023 sẽ “làm nguồn cung giảm đáng kể” cho đến quý 4. IEA ước tính mức thâm hụt nhu cầu ở mức 1,1 triệu thùng/ngày trong ba tháng cuối năm, thấp hơn khoảng 100.000 thùng/ngày so với báo cáo tháng trước.

Các chuyên gia cũng nhận định động thái nói trên của Saudi Arabia và Nga sẽ khiến thị trường dầu mỏ toàn cầu ngày càng thắt chặt hơn, qua đó đẩy giá dầu tăng mạnh trong một vài tháng tới. Trên thực tế, giá dầu thế giới đã tăng trong 3 tuần liên tiếp từ đầu tháng 9 năm nay. Tính đến ngày 18/9, giá dầu Brent đạt 94,03 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 90,97 USD/thùng. Theo các nhà phân tích tại Bank of America, việc tiếp tục cắt giảm nguồn cung có thể nâng giá dầu Brent kỳ hạn lên trên ngưỡng 100 USD/thùng trước cuối năm nay. 

Dryden Pence, Giám đốc đầu tư của Pence Capital Management, nhận định: “Giá dầu cao hơn chắc chắn là một cơ hội thuận lợi cho các công ty dầu mỏ như Exxon và Chevron. Và chúng ta đã chứng kiến dầu tăng giá mạnh sau khi Saudi Arabia đơn phương loại bỏ một lượng dầu ra khỏi thị trường. Chúng tôi ước tính rằng sẽ thiếu 2 triệu thùng mỗi ngày trong thời gian còn lại năm nay. Giá dầu tăng sẽ tốt cho các công ty dầu mỏ, nhưng nó cũng sẽ gây áp lực lên lạm phát”.

Bên cạnh các yếu tố tích cực, giá dầu cũng đang đối mặt với những “cơn gió ngược” về kinh tế vĩ mô và những lo ngại về nhu cầu, nhất là ở Trung Quốc, khi số liệu cho thấy đà phục hồi hậu đại dịch của nước này yếu hơn dự đoán. Tác động từ tình hình lãi suất gia tăng ở Mỹ cũng đang cộng hưởng với những lo ngại về việc liệu kinh tế Mỹ có thể “hạ cánh mềm” sau hơn một năm rưỡi tăng lãi suất hay không.

Số liệu gần đây cho thấy thị trường lao động Mỹ đang hạ nhiệt, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể dừng tăng lãi suất. Nhưng nếu giá dầu tăng thổi bùng lạm phát trở lại, Fed có thể sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất lâu hơn, từ đó đè nặng lên tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu.

IEA tháng này vẫn giữa nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 giảm xuống 1 triệu thùng/ngày, với lý do điều kiện kinh tế vĩ mô không mấy tích cực. Trong khi đó, OPEC mới đây dự đoán nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024 sau khi tăng 2,44 triệu thùng/ngày trong năm nay. 

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, thị trường dầu thế giới chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố địa chính trị và địa kinh tế và “sự không chắc chắn” có thể được coi là từ khóa được sử dụng khi mô tả tình hình thị trường hiện tại. Dự báo quyết định cắt giảm sản lượng hồi đầu tháng này của các thành viên chủ chốt trong OPEC+ sẽ gây thêm khó khăn cho kinh tế thế giới, vốn đang đối mặt với triển vọng ảm đạm, đồng thời có nguy cơ gây ra những hệ lụy cho chính thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top