Moody’s: Ngành ngân hàng thế giới vẫn đối mặt với rủi ro từ lạm phát

Giám đốc điều hành Moody’s cảnh báo tái lạm phát là một rủi ro, đặc biệt nếu các ngân hàng không dự đoán chính xác diễn biến lãi suất và điều chỉnh danh mục đầu tư thích hợp.

Giám đốc điều hành của hãng xếp hạng tín dụng Moody’s Ana Arsov. (Ảnh: Bloomberg)

Phát biểu tại Diễn đàn toàn cầu Reuters Next do hãng tin Reuters (Anh) tổ chức, Giám đốc điều hành của hãng xếp hạng tín dụng Moody’s Ana Arsov cho biết ngành ngân hàng vẫn chưa thoát khỏi rủi ro từ lạm phát nếu các ngân hàng không dự đoán đầy đủ các biến động của tình hình kinh tế.

Ngành ngân hàng Mỹ đã rơi vào tình trạng bất ổn trong mùa Xuân khi ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) bất ngờ sụp đổ sau khi vật lộn với khoản lỗ lớn “trên giấy tờ” do lãi suất tăng nhanh.

Nhiều người đã ồ ạt đổ đến SVB để rút tiền sau khi có thông tin cho rằng ngân hàng này đang gặp rắc rối, dẫn đến việc SVB phải đóng cửa đột ngột.

Sự việc này đã gây ra tình trạng mất niềm tin lan rộng ở ngân hàng khu vực và ngân hàng có quy mô vừa.

Bên cạnh đó, hãng xếp hạng tín dụng Moody’s đã hạ xếp hạng 10 ngân hàng cỡ trung của Mỹ trong đầu tháng 8/2023 và đưa sáu ngân hàng lớn vào diện xem xét hạ bậc xếp hạng.

Bà Arsov cho biết triển vọng của ngành ngân hàng vẫn tiêu cực. Bà cho biết tái lạm phát là một rủi ro, đặc biệt nếu các ngân hàng không dự đoán chính xác diễn biến lãi suất và điều chỉnh danh mục đầu tư của mình một cách thích hợp.

Bà Arsov đang tập trung đánh giá tình hình vốn của các ngân hàng trong quý 4/2023 và quý 1/2024. Bà cho hay những gì mà nhận thấy trên thị trường là các ngân hàng sẵn sàng cơ cấu lại một số danh mục đầu tư này để có được một số nguồn vốn.

Giám đốc điều hành của chi nhánh tại Mỹ của ngân hàng Banco Santander, ông Tim Wennes cho biết một mối lo ngại trong năm 2024 là khả năng thua lỗ do các khoản cho vay bất động sản thương mại gây ra.

Các cơ quan quản lý chứng khoán và ngân hàng toàn cầu cũng vẫn đang vật lộn với hậu quả từ sự sụp đổ của Tập đoàn Credit Suisse.

Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB), gồm các thống đốc ngân hàng trung ương, lãnh đạo các cơ quan quản lý ngân hàng-tài chính và quan chức từ các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, vào tháng trước đã đưa ra một báo cáo về những bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình UBS mua lại Credit Suisse.

Ông Jean-Paul Servais, Chủ tịch Tổ chức Ủy ban Chứng khoán Quốc tế (IOSCO), cho biết đang làm việc với FSB về việc các ngân hàng toàn cầu sẵn sàng cơ cấu hoạt động.

Đối với trường hợp của Credit Suisse, báo cáo cho biết các cơ quan quản lý Mỹ cảnh báo về khả năng thanh lý, một trong những lựa chọn của Chính phủ Thụy Sĩ, có thể ảnh hưởng đến trái phiếu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Mỹ, đồng thời cho rằng điều đó sẽ vi phạm luật chứng khoán Mỹ./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top