Giới phân tích nhận định, tâm lý lo ngại về nguy cơ leo thang trong cuộc xung đột có thể đẩy giá vàng lên vùng 2.000 USD/ounce trong vài tuần tới.
Giá vàng trong nước đang bám sát diễn biến thế giới.
Tại thời điểm cuối tuần (22/10), giá vàng đã trở lại giao dịch ở ngưỡng 71 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, tại thị trường Hà Nội, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 70,25 – 71,07 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), không đổi ở chiều mua vào và tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên trước đó.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 70,15 – 71,05 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), không đổi so với chốt phiên trước đó.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng giữ nguyên niêm yết giá vàng SJC ở mức 70,3 – 71,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trước đó, giá vàng trong nước bám sát diễn biến thế giới trong tuần; trong đó, có những phiên giảm dưới 71 triệu đồng/lượng. Tuy vậỵ, tính chung cả tuần, giá vàng trong nước tiếp đà tăng, ở mức 500 nghìn đồng/lượng, tương đương 0,7% về giá trị. Cùng lúc, giá vàng thế giới tăng 2,5%.
Nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff tại Chuyên trang về Thị trường vàng Kitco Metals nhận xét, tình hình địa chính trị ngày càng trầm trọng ở Trung Đông có thể đẩy giá vàng leo lên ngưỡng 2.000 USD/ounce trong vài tuần tới.
Trong khi đó, Trưởng Bộ phận Phân tích thị trường Everett Millman của Công ty Gainesville Coins cho rằng, đến khi giảm leo thang xung đột tại Israel, giá vàng sẽ dao động quanh mức 1.900 USD/ounce.
Giám đốc Tư vấn đầu tư Phan Dũng Khánh của Maybank Investment Bank cũng dự báo, giá vàng thế giới thời gian tới có thể giữ ở quanh mức hiện tại. Kịch bản tích cực nhất là giá vàng tiến dần đến mức quan trọng 2.000 USD/ounce sau đó điều chỉnh xuống.
Trong trường hợp nếu xung đột này không leo thang, khả năng tăng giá thêm nữa của vàng có thể bị hạn chế, khi Mỹ có thể giảm lãi suất muộn hơn dự đoán.
Về phía Ngân hàng Commerzbank dự đoán giá vàng sẽ ở mức 1.900 USD/ounce vào cuối năm nay và 2.100 USD/ounce vào cuối năm 2024./.