Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một số lượng rất lớn cấu trúc hình dạng giống như những ‘sợi dây’ kỳ lạ ở trung tâm Dải Ngân hà, vốn có thể những gì còn sót lại sau một đợt bùng phát dữ dội của siêu lỗ đen ở trung tâm thiên hà cách đây hàng triệu năm.
Theo nghiên cứu mới được công bố vào 2/6 trên Tạp chí Vật lý thiên văn, mỗi cấu trúc hình sợi chưa từng được phát hiện trước đây này có chiều dài từ 5 đến 10 năm ánh sáng — gấp hàng nghìn lần khoảng cách giữa mặt trời và Sao Diêm Vương. Tuy nhiên, chúng chỉ có thể nhìn thấy ở bước sóng vô tuyến , cho thấy các cấu trúc này có khả năng được tạo ra bởi sự bùng phát của các hạt năng lượng cao mà mắt thường không nhìn thấy được, trang Live Science đưa tin.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu xác định chúng được tạo ra từ các electron tia vũ trụ đang di chuyển từ trường với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng.
Theo các quan sát được thực hiện, hàng trăm hoặc hàng nghìn cấu trúc hình sợi đều dường như hướng thẳng vào lỗ đen siêu nặng ở trung tâm thiên hà, gợi ý rằng chúng có thể là những ‘vết sẹo chưa lành’ của một vụ nổ lỗ đen với mức năng lượng phát ra cực cao, đủ để xé toạc các đám mây khí xung quanh.
Các quan sát vô tuyến về trung tâm Dải Ngân hà cho thấy hàng trăm cấu trúc hình sợi mới được phát hiện (Ảnh: Farhad Yusef-Zadeh/Đại học Tây Bắc)
Lỗ đen siêu nặng ở trung tâm Dải Ngân hà, vốn nằm cách Trái Đất 26.000 năm ánh sáng, được đặt tên là Sagittarius A* (hay Sgr A*). Nó được coi là một ‘quái vật vũ trụ’ với khối lượng lớn hơn 4 triệu lần khối lượng Mặt trời. Lực hấp dẫn cực mạnh của nó liên kết thiên hà của chúng ta lại với nhau — nhưng sự ‘thèm ăn’ khủng khiếp của nó cũng dẫn đến một số trường hợp…khó tiêu nghiêm trọng.
Các quan sát vô tuyến trước đây về Sgr A* do nhóm của Yusef-Zadeh, giáo sư vật lý và thiên văn học tại Đại học Tây Bắc ở Illinois thực hiện, đã phát hiện ra hai bong bóng năng lượng khổng lồ rộng 50.000 năm ánh sáng, trải dài ở hai mặt phẳng Bắc và Nam của lỗ đen trung tâm Ngân hà. Song song đó là 1000 cấu trúc hình sợi dạng thẳng đứng, cũng tỏa ra từ lỗ đen Sgr A*, cùng hàng trăm sợi đứng kết đôi hoặc kết thành chùm với nhau tại cùng một khu vực.
Các bong bóng khổng lồ ở trung tâm thiên hà của chúng ta (màu xanh lam) có khả năng là bằng chứng của một vụ bùng phát của lỗ đen hàng triệu năm trước. (Ảnh: NASA/MEERKAT)
Theo nhóm nghiên cứu, cả hai hiện tượng bí ẩn này đều có khả năng liên quan đến hoạt động của lỗ đen Sgr A* khoảng 6 triệu năm trước đây, thay vì các vụ nổ siêu tân tinh mà họ từng suy đoán trước đó.
Được biết, các nhà nghiên cứu phát hiện ra cấu trúc trên bằng cách phân tích các hình ảnh từ kính thiên văn MeerKAT của Đài Quan sát Thiên văn Vô tuyến Nam Phi, vốn tập hợp 64 ăng ten vô tuyến cao gần 20 mét và kết nối với nhau trong một khu vực thưa dân trải dài 8km.