Sáng 17/07, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Lê Minh Hoan, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025 với các tỉnh, thành trong cả nước.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Sơn – Thươnggia24h
Tại hội nghị, Ông Ngô Trường Sơn – Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết: sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2021 – 2025, cả nước đã huy động được hơn 1,7 triệu tỷ đồng đầu tư thực hiện chương trình.
Cụ thể, năm 2021, cả nước huy động được khoảng 602.603 tỷ đồng; năm 2022, huy động được khoảng 744.723 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2021 và năm 2023 tính đến tháng 6, cả nước huy động được khoảng 404.618 tỷ đồng.
Chương trình đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận: đến nay, cả nước có hơn 6.000 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,3% so với cuối năm 2020). Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã.
Có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 90 đơn vị so với cuối năm 2020 (chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).
Hiện có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 7 địa phương so với cuối năm 2020), trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Cả nước đã đánh giá, phân hạng gần 10.000 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là hơn 46 triệu đồng/người/năm.
Ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Sơn – Thươnggia24h.vn
Phát biểu tại hội nghị, Ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: trong 3 năm qua, các lãnh đạo địa phương và cộng đồng xã hội các phương tiện thông tin đại chúng đã quan tâm tới chương trình ở rất nhiều góc độ. Từ đó, giúp ban chỉ đạo hình dung được điểm khó khăn cũng như điểm sáng của từng địa phương. Từ những điểm nghẽn, chúng ta đã tìm được sự sáng tạo của các địa phương, vùng miền, cho thấy được tín hiệu tốt cho hình ảnh nông thôn mới. Nông thôn mới không chỉ đơn thuần là xây dựng cầu đường hay là cơ sở vật chất mà còn là phát triển kinh tế cho các vùng.
Cũng trong hội nghị, các đại biểu tham dự đã đưa ra một số điểm còn hạn chế của chương trình như: một số địa phương còn lúng túng, chậm ban hành các văn bản cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; nhiều địa phương chưa chú trọng quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với sản phẩm chủ lực, thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp còn gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 còn chậm. Nhiều địa phương chưa thực hiện việc giải ngân ngay sau khi hoàn thành công tác giao kế hoạch vốn.